Sau hơn 1 năm, việc sử dụng phương án thuế bình quân gia quyền để tính giá xăng dầu đang dần lộ rõ sự bất cập. Nếu không kịp thời có giải pháp, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ bị thiệt.
Khó tính thuế để làm cơ sở điều chỉnh giá bán
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu của phiên đầu tiên quý IV (5/10) vừa qua, có một điểm bất thường là Bộ Tài chính không công bố thuế bình quân gia quyền áp dụng cho quý IV/2017 để Bộ Công Thương tính giá bán xăng dầu.
Cho nên, để đảm bảo đúng quy định điều chỉnh giá xăng dầu trước 17h ngày 5/10, Bộ Công Thương phải dựa vào mức thuế cũ áp dụng từ quý III.
Vì sao Bộ Tài chính lại “lỡ hẹn” cung cấp mức thuế bình quân gia quyền để Bộ Công Thương làm căn cứ điều chỉnh giá xăng dầu?
Mức thuế để tính giá bán xăng dầu đang lộ sự bất cập.
Trả lời PV.VietNamNet, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay: Tại đợt điều hành 5/10 vừa rồi, đúng ra phải có thuế bình quân gia quyền của quý trước áp dụng cho quý IV này. Tuy nhiên, trong quá trình Bộ Tài chính rà soát tính toán có phát sinh một số vấn đề mà Bộ thấy cần báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
"Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ thông báo mức thuế bình quân gia quyền", ông Truyền nói.
Theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu, cách tính thuế bình quân gia quyền rất phức tạp. Để tính được mức thuế bình quân gia quyền, đơn vị chức năng của Bộ Tài chính phải sẽ dựa vào sản lượng và mức thuế nhập khẩu xăng dầu của Hàn Quốc, ASEAN và cả lọc dầu Dung Quất. Bóc tách số liệu của từng nơi là nhiệm vụ không dễ dàng khi buổi sáng ngày điều hành giá các dữ liệu mới được gửi về, trước 3 giờ chiều đã phải có phương án thuế.
Lý do thứ hai dẫn đến khó khăn trong việc tính thuế bình quân gia quyền là nguồn xăng dầu của lọc dầu Dung Quất.
Năm 2016, trong những quý đầu tiên áp dụng thuế bình quân gia quyền, Bộ Tài chính không tính đến lọc dầu Dung Quất. Nhưng những quý gần đây, xăng dầu của lọc dầu Dung Quất được đưa vào công thức để tính thuế bình quân gia quyền xăng dầu.
Điều phức tạp là, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/1/2017 lọc dầu Dung Quất được tự quyết định giá bán, không chịu thuế nhập khẩu như trước đây. Vì vậy, đơn vị tính toán khó khăn khi áp mức thuế nhập khẩu nào cho lọc dầu Dung Quất bởi nguyên tắc thuế nhập khẩu chỉ tính cho nguồn nhập khẩu, trong khi Dung Quất lại là DN trong nước, bán ở trong nước.
Nhờ được tự quyết về giá, giá bán của xăng dầu Dung Quất đã cạnh tranh hơn, thu hút được các đầu mối xăng dầu đến mua hàng.
Quý I/ 2017, tỷ lệ xăng từ nguồn nhập khẩu là 49,35%, còn nguồn sản xuất trong nước (lọc dầu Dung Quất) là 50,65%.
Nguồn tin: Vietnamnet.vn