Sau khi lao dốc vào cuối phiên 29/11, sự thận trọng của OPEC+ khi xuất hiện biến thể Omicron đã kéo giá xăng dầu hôm nay lấy lại đà tăng mạnh.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đến đầu giờ sáng 30/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2022 đứng ở mức 70,97 USD/thùng, tăng 1,02 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 29/11, giá dầu WTI giao tháng 1/2022 đã giảm 0,19 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent giao tháng 2/2022 đứng ở mức 74,13 USD/thùng, tăng 0,91 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm 0,22 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 29/11.
Các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh OPEC+ đã hoãn cuộc họp kỹ thuật thường kỳ hàng tháng đến cuối tuần này, để có thêm thời gian đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến thể Omicron đối với các nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, là nguyên nhân chính khiến giá dầu ngày 30/11 quay đầu tăng.
“Nếu giá dầu tiếp tục giảm mạnh bởi sự xuất hiện của biến thể Omicron, OPEC+ có thể sẽ xem xét lại kế hoạch tăng sản lượng” – các chuyên gia chỉ ra.
Hãng Reuter ngày 29/11 cũng dẫn tuyên bố của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak: Các nước OPEC+ phải theo dõi sát diễn biến trên thị trường và sẽ không vội vàng trong việc đưa ra quyết định về chính sách sản lượng.
Hiện OPEC+ đang thực hiện kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến tháng 4/2022. Việc có tiếp tục duy trì kế hoạch này hay không sẽ được OPEC+ công bố sau cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 2/12 tới.
Giá dầu hôm nay còn được hỗ trợ mạnh bởi kỳ vọng của giới đầu tư vào bức tranh tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Atlanta Raphael Bostic nhận định, nền kinh tế Mỹ đang có nhiều động lực tăng trưởng, trong đó nổi bật chính là sự vững mạnh của thị trường lao động, và bày tỏ quan điểm ủng hộ việc thu hẹp chương trình nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed.
“Fed có thể sẽ tăng lãi suất ít nhất 2 lần trong năm 2022 nếu lạm phát vẫn tăng. Tuy nhiên, Fed sẽ không để lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát” - ông Raphael Bostic cho biết thêm.
Song, đà tăng của giá dầu hôm nay cũng bị kìm hãm bởi những biện pháp phòng chống dịch vừa được các nước công bố, trong đó có nhiều nước, như Nhật Bản đã thông báo đóng cửa biên giới.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị