Brent đã lên lại trên 55 đô la Mỹ lần đầu tiên kể từ tháng Hai và WTI đang dao động trên 50 đô la Mỹ. Thế giới trông có vẻ như một nơi tốt hơn cho các thành viên OPEC và đối tác của họ. Vâng, dữ liệu nguồn cung dầu toàn cầu mới nhất đã xác nhận rằng các thành viên OPEC và những nước ngoài nhóm đã đạt được mục tiêu cắt giảm nguồn cung dầu về mức có thể quản lý được. Đúng vậy, sản lượng của OPEC đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, điều này sẽ không kéo dài lâu.
Báo cáo thị trường dầu mỏ mới nhất của IEA cho thấy nguồn cung dầu thô toàn cầu đã giảm 720.000 thùng/ngày trong tháng 8, không chỉ vì những cắt giảm có chủ ý, mà còn nhờ vào sự gián đoạn cũng như bảo dưỡng mỏ dầu-chủ yếu là ở các nhà sản xuất không thuộc OPEC. Cơ quan này cũng ghi nhận sản lượng dầu của OPEC đã giảm trong tháng 8 lần đầu tiên kể từ tháng 3, trong khi mức tuân thủ thỏa thuận cắt giảm đã được cải thiện lên tới 82%, làm cho tổng mức tuân thủ từ đầu năm tới nay đạt 86%.
Nguồn cung dầu đã giảm và giá đang tăng. Nhưng đó chỉ là vào lúc này, và về điểm này, các nhà phân tích dường như thống nhất. Nhu cầu mùa hè cao hơn ở bán cầu bắc là một phần cho sự sụt giảm nguồn cung dầu và phần đó không phải là nhỏ. Việc ngừng hoạt động sản xuất, đáng chú ý nhất ở Libya, cũng góp phần làm giảm nguồn cung toàn cầu.
Bây giờ mùa hè đã kết thúc và nhu cầu sẽ bắt đầu giảm. Trong khi tình hình ở Libya vẫn không ổn định và không có dự đoán chính xác về những gián đoạn trong sản xuất dầu ở đó, thì các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ có thể bắt đầu bổ sung giàn khoan một lần nữa, sau một tháng chững lại. Các nhà sản xuất khác ngoài OPEC, ví dụ như ở Biển Bắc, cũng đang chú ý đến sản lượng cao hơn sắp tới, mà theo IEA, là tin xấu đối với OPEC và các đối tác của nhóm vì sản lượng cao hơn sẽ vượt quá tốc độ tăng nhu cầu trong năm tới.
Trong khi đó, OPEC dường như đang dựa vào định hướng mở rộng thỏa thuận cắt giảm thêm nữa, là những gì mà một số nhà phân tích cho biết không nên làm. Trên thực tế, truyền thông gần đây đã dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho biết việc cắt giảm thậm chí có thể được tăng thêm 1%. Điều này có thể hiểu được: khi bạn đặt rất nhiều nỗ lực vào cái gì đó và cuối cùng bạn bắt đầu nhận thấy rằng nó đang có tác dụng, bạn sẽ có thêm động lực để tiếp tục làm việc này. Tuy nhiên, trong trường hợp của OPEC, việc làm này có thể dồn nhóm vào thế bí mà nó tự đặt mình vào với những cắt giảm.
Càng về sau, khả năng gia hạn sẽ càng cao. Do nhu cầu dầu thô giảm trong những tháng mùa đông, và nếu không có sự gián đoạn nguồn cung để đẩy giá lên, giá sẽ bắt đầu đi xuống. Để ngăn lại sự sụt giảm này, OPEC sẽ cần phải cắt giảm sâu hơn hoặc mở rộng thỏa thuận, hoặc cả hai. Và OPEC, hoặc ít nhất là một số thành viên của nhóm, thực sự sẽ cần phải ngăn đà giảm.
Saudi Arabia đang chuẩn bị cho đợt IPO của Aramco. Việc giữ giá ở mức nào là rất quan trọng cho việc định giá của công ty mà tương lai của kế hoạch đa dạng hóa kinh tế nước này phụ thuộc vào. Iraq, vẫn đang tiếp tục cuộc chiến với những phần tử còn lại của Nhà nước Hồi giáo, và hiện đang đối mặt với viễn cảnh một Kurdistan độc lập, nơi có nhiều dầu. Venezuela hoàn toàn đang rơi vào sự hỗn độn. Nigeria có hoặc không thể tham gia cắt giảm. Libya không tham gia. Iran có kế hoạch tăng sản lượng dầu, điều này sẽ ảnh hưởng tới sự thỏa hiệp tham gia của nước này trong thỏa thuận.
Cân nhắc tất cả những chuyện này, các nhà phân tích đã cảnh báo rằng việc không mở rộng cắt giảm sau tháng 3 năm 2018 sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu. Quyền kiểm soát của OPEC bị trói chặt, càng về sau thì sự ràng buộc sẽ càng thắt chặt hơn.
Nguồn tin: xangdau.net