Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Quỹ quốc gia Na Uy rút bớt vốn khỏi lĩnh vực dầu khí

Chính phủ Na Uy thông báo quỹ quốc gia của nước này sẽ bán bớt cổ phần trong các công ty khai thác và sản xuất dầu khí để rút giảm dần sự tham gia hoạt động trong lĩnh vực “vàng đen”.

Quyết định của quỹ quốc gia lớn nhất thế giới này chủ yếu dựa trên sự cân nhắc về vấn đề tài chính, liên quan đến 7,5 tỷ USD trong số khoảng 37 tỷ USD mà quỹ đầu tư nhà nước Na Uy nắm giữ trong lĩnh vực dầu khí tính đến cuối năm 2018.

Chính phủ Na Uy, nhà sản xuất dầu khí lớn nhất ở Tây Âu, cho biết việc thoái vốn chủ yếu nhắm vào các công ty thăm dò và sản xuất, với mục tiêu là giảm bớt rủi ro trong trường hợp tình trạng giảm giá dầu kéo dài. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Na Uy Siv Jensen nhấn mạnh động thái này không nên được hiểu là sự thiếu tin tưởng vào tương lai của ngành dầu mỏ

Một giàn khoan dầu của Na Uy trên biển Barents - (Ảnh: Independent Barents Observer)

Đề xuất của chính phủ dự kiến sẽ được Quốc hội ủng hộ. Quỹ quốc gia quản lý nguồn vốn đầu tư nhà nước vào nhiều tài sản khác nhau nhằm tạo ra nguồn ngân sách phục vụ các chương trình quốc gia và lương hưu.

Năm 2017, Ngân hàng trung ương Na Uy, chịu trách nhiệm quản lý quỹ, đã đưa ra đề xuất này lên Chính phủ Bắc Âu nhằm hạn chế những tác động tiêu cực trong trường hợp giá dầu giảm mạnh như năm 2014. Dầu mỏ và khí đốt chiếm gần một nửa nguồn thu từ xuất khẩu của Na Uy và 20% nguồn thu ngân sách nhà nước. Các khoản thu từ dầu mỏ của nhà nước được bổ sung vào quỹ đầu tư quốc gia, thường được gọi là "quỹ dầu" nhưng được biết đến với tên chính thức là Quỹ Hưu trí Chính phủ Toàn cầu.

Dự kiến, quyết định trên sẽ tác động đến khoảng 134 công ty, tập trung vào nhóm các công ty thuộc mảng thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí) như Chesapeake của Mỹ, Encana của Canada, CNOOC của Trung Quốc, Maurel của Pháp và Tullow của nước Anh. Còn những công ty và doanh nghiệp thuộc khâu hạ nguồn (xử lý, tinh chế) và quan trọng hơn là các doanh nghiệp tích hợp cả hai hoạt động trên như “người khổng lồ” ExxonMobil, Shell, BP và Total sẽ không bị ảnh hưởng.

Giới quan sát đánh giá việc thoái vốn, dù chỉ một phần, của quỹ đầu tư có giá trị hơn 1.000 tỷ USD này là một đòn giáng mạnh vào ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch, đồng thời được các nhà vận động môi trường tán dương.

Nguồn tin: baoquocte.vn
 

ĐỌC THÊM