Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi các yêu cầu về độ an toàn rất cao. Thế nhưng, việc quy hoạch mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại một số địa phương hiện vẫn còn bộc lộ không ít bất cập. Trong đó có việc UBND cấp tỉnh cấp phép hoạt động cho các cửa hàng xăng dầu không bảo đảm quy định về khoảng cách tối thiểu và không bảo đảm về quy hoạch giao thông, nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cháy, nổ.
Quy hoạch lộn xộn, "né" quy định pháp luật
Quốc lộ 12B chạy qua địa bàn huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình với chiều dài chưa đến 30km nhưng có đến 10 cửa hàng xăng dầu được cấp phép hoạt động. Việc có nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên một phạm vi hẹp là một thuận lợi trong việc mua bán của người dân. Thế nhưng, điều này lại tiềm ẩn nguy cơ về cháy, nổ và mất an toàn giao thông trên tuyến đường này.
Một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên Quốc lộ 12B.
Việc các cửa hàng xăng dầu quá gần nhau còn gây khó khăn cho chính các doanh nghiệp. Ông Huỳnh Phan Hữu, chủ doanh nghiệp xăng dầu Thời Hưng, phản ảnh, việc UBND huyện Gò Dầu và Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp xăng dầu Minh Thế 2 trên Quốc lộ 22B (chỉ cách cửa hàng của doanh nghiệp xăng dầu Thời Hưng khoảng 850m) khiến việc buôn bán của cửa hàng bị sụt giảm nặng nề và có nguy cơ phải đóng cửa. "Quá bức xúc, chúng tôi đã gửi khiếu nại đến UBND tỉnh Tây Ninh và nhận được thông báo của UBND tỉnh là trạm xăng Minh Thế 2 đã được Chủ tịch UBND tỉnh xem xét đưa vào diện đặc biệt và cấp phép cho hoạt động"-ông Huỳnh Phan Hữu cho biết.
Còn trên địa bàn tỉnh Phú Yên, hiện đang có 147 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó có hơn 90% hoạt động trước năm 2000, lúc đó, pháp luật chưa quy định cụ thể diện tích, cột bơm, khoảng cách. Ngày 8-8-2012, UBND tỉnh Phú Yên có Quyết định số 1156/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch các cửa hàng xăng dầu giai đoạn 2012-2020. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, vẫn còn nhiều bất cập về khoảng cách giữa các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là, tại một số nơi (trong một thôn) xuất hiện 3 đến 4 cây xăng không bảo đảm an toàn và quy hoạch giao thông theo quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23-9-2015 của Bộ Giao thông vận tải. Thế nhưng, phía Sở Công Thương tỉnh Phú Yên lại cho rằng, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT chỉ áp dụng trên phạm vi quốc lộ, không quy định về khoảng cách tối thiểu giữa 2 cửa hàng xăng dầu trên các tuyến đường khác. Đây cũng chính là câu trả lời thường thấy của lãnh đạo sở Công Thương các tỉnh, thành phố khác khi phóng viên phản ảnh về tình trạng không bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa các cửa hàng xăng dầu.
Cần một quy định chung
Giải thích về vấn đề nêu trên, ông Trần Bá Đạt, Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, cho rằng: Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP. Nội dung Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT quy định về khoảng cách tối thiểu giữa 2 cửa hàng xăng dầu trên hệ thống quốc lộ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực tiếp quản lý. Riêng việc quy định về khoảng cách tối thiểu giữa các cửa hàng xăng dầu trên hệ thống đường địa phương (đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện, đường xã) thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh theo phân cấp của Chính phủ được quy định tại Điều 40, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP.
Theo ông Trần Văn Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ I, đối với quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu, Bộ Công Thương được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước; nếu cửa hàng xăng dầu đấu nối trực tiếp với quốc lộ thì lúc đó mới phải có ý kiến thỏa thuận của Bộ Giao thông vận tải. Việc các cửa hàng xăng dầu có khoảng cách quá gần nhau sẽ dẫn đến lượng xe ra, xe vào trên các tuyến đường với mật độ cao, gây ảnh hưởng đến hành lang giao thông.
Hiện nay, cơ bản tất cả các địa phương (UBND cấp tỉnh) đã ban hành quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường địa phương thuộc địa giới hành chính. Các địa phương đều căn cứ vào quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP và tham khảo các quy định riêng đối với hệ thống quốc lộ để xây dựng quy định phù hợp trong việc quy định khoảng cách tối thiểu đối với các cửa hàng xăng dầu. Do đó, quy định về khoảng cách giữa các cửa hàng xăng dầu ở mỗi địa phương đang có sự khác nhau. Đến thời điểm này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chưa nhận được báo cáo quy định về khoảng cách các cửa hàng xăng dầu từ UBND các tỉnh.
Chúng tôi cho rằng, để thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý về khoảng cách giữa 2 cửa hàng xăng dầu cần tập trung vào những giải pháp sau: Một là, các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định tại Nghị định 11/2010/NĐ-CP, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT, nhằm quản lý tốt hành lang an toàn đường bộ đối với quốc lộ cũng như hệ thống đường bộ địa phương. Hai là, về khoảng cách tối thiểu giữa 2 cửa hàng xăng dầu, các tỉnh, thành phố cần tham khảo tiêu chí quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT để vận dụng cho phù hợp; trong trường hợp cần thiết có thể xin hướng dẫn chuyên môn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ba là, đối với các tuyến đường không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT, cần tìm hiểu thực tế tại các địa phương rồi từ đó xây dựng một phương án chung trong việc quy định khoảng cách giữa 2 cửa hàng xăng dầu.
Về phần mình, các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương cần phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trên địa bàn.
Nguồn tin: Qdnd