Quỹ bình ổn xăng dầu từng được xem là chiếc van điều tiết giá xăng dầu, quỹ này đã từng hãm đà tăng sốc giá xăng nhưng cũng neo giá xăng nhằm bình ổn giá. Vì vậy, khi Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó có kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu, nhiều quan điểm được nêu lên.
Âm hàng trăm tỷ đồng
Nhằm xây dựng và hoàn thiện sửa đổi Luật Giá sau 9 năm vận hành, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó, nội dung đề xuất bỏ quỹ BOG xăng dầu nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Theo ông Tạ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ đang Dự thảo sửa đổi Luật Giá theo nguyên tắc kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường. Theo ông Tuấn, thực chất Quỹ BOG xăng dầu này là trích từ tiền của người tiêu dùng. Trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc trích lập và sử dụng Quỹ BOG xăng dầu. Để phù hợp và tiến tới nguyên tắc thị trường, nền kinh tế phải đảm bảo giá của xăng dầu phù hợp với nguyên tắc thị trường.
Số liệu được Bộ Tài chính công bố cho biết số dư Quỹ BOG xăng dầu đến hết ngày 31/3/2022 đang âm 169,920 tỷ đồng.
Giới chuyên gia cho rằng cần phải có nghiên cứu về những tác động của quỹ BOG xăng dầu kể từ khi ra đời đến nay. Liệu tác động của quỹ này có thật sự giúp cho người dân trong nước mua được giá xăng rẻ hơn thế giới hay không? Nếu không có nghiên cứu cụ thể mà giờ nói bỏ thì người dân có quyền đặt vấn đề rằng có phải từ trước đến nay quỹ này đã không có tác dụng BOG xăng dầu?
Chị Nguyễn Thuỳ Linh (đường Dương Đình Nghệ, Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, lâu nay chị chỉ quan tâm tới giá xăng dầu, còn không quan tâm tới quỹ BOG xăng dầu. Quỹ bình ổn chính là tiền của người tiêu dùng, nếu không làm hạ nhiệt giá xăng thì bỏ đi càng sớm càng tốt.
Còn đại diện một DN kinh doanh xăng dầu cũng thẳng thắn chia sẻ, nhiều người dân thắc mắc về việc trích lập quỹ và lãi suất của quỹ khi đặt tại DN.
Ông Trần Đoàn Hiệp, chủ một công ty vận tải ở Ba La (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp (DN) có 5 xe động cơ chạy dầu chuyên để chở khách, trước đây mỗi lần đổ dầu chỉ mất 900.000 đồng/ bình thì nay phải lên 2,2 triệu đồng/ bình. Dưới góc nhìn của DN vận tải, hoạt động của Quỹ BOG không ổn, mỗi lần xăng dầu có điều chỉnh tăng thì tăng mạnh theo giá xăng dầu thế giới, nhưng khi giảm thì giảm rất ít, thậm chí có cơ hội giảm thì lại tăng trích lập quỹ bình ổn. Do đó, vị giám đốc này đồng tình với đề xuất bỏ quỹ bình ổn xăng để giá xăng dầu được điều chỉnh linh hoạt hơn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tiu - Chủ tịch Công ty Xăng dầu Tự Lực I, Hà Nội, việc nhiều quỹ BOG tại DN xăng dầu đầu mối lớn bị âm sẽ rất khó để kéo giảm giá xăng dầu trong nước trong thời gian tới khi giá thế giới lên cao. Theo đó, ông nhìn nhận có lẽ trong bối cảnh này “van điều tiết” hiệu quả nhất là giảm thuế, phí với mặt hàng xăng dầu.
Bộc lộ nhiều bất ổn
Theo quy định hiện hành, Quỹ BOG xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước. Về bản chất, nguồn tiền của Quỹ BOG giá xăng dầu là tiền của người dân trích ra từ giá bán xăng dầu, để cơ quan Nhà nước sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt ở thời điểm tăng giá sốc. Cụ thể, khi giá xăng dầu ở mức thấp, người mua trả thêm một khoản nộp vào quỹ, sau đó dùng tiền này để bù vào khi giá tăng cao, có nghĩa là người dân nộp tiền trước để bình ổn cho chính mình. Các công ty xăng dầu chỉ thu hộ và giữ hộ, còn cơ quan chức năng sẽ điều tiết quỹ để giữ giá xăng dầu ổn định, tránh gây sốc cho người tiêu dùng và nền kinh tế.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính hết quý I/2022, Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm khoảng 170 tỷ đồng. Tại một số DN đầu mối xăng dầu lớn đang bị âm quỹ như: Petrolimex âm 5 tỷ đồng; PVOil âm hơn 1.013 tỷ đồng tính đến ngày 1/6. Mới đây nhất, ngày 13/6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Cụ thể giá xăng E5RON92 đã lên mức 31.110 đồng/lít; xăng RON95 32.370 đồng/lít. Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng bán lẻ đã liên tục tăng tới 11 lần và thiết lập đỉnh mới.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/6 vừa qua, sau khi đánh giá các mặt hàng xăng dầu đều có xu hướng tăng giá, nhất là dầu diesel và dầu hỏa có biến động tăng cao, mặc dù Quỹ BOG đang ở mức khá thấp nhưng Liên Bộ Công thương – Tài chính vẫn quyết định tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG nhằm để hạn chế mức tăng của giá mặt hàng dầu để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN sử dụng. Theo đó, Liên Bộ quyết định tiếp tục không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng và dầu diesel, dầu hỏa, tiếp tục chi sử dụng Quỹ BOG đối với dầu diesel và dầu hỏa để giá dầu trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá thế giới từ mức 150 đồng – 1.500 đồng/lít. Như vậy có thể thấy rằng nếu như không xả quỹ, giá xăng dầu tăng nhiều hơn 550 đồng/lit hơn trong kỳ điều hành 21/6.
Trong bối cảnh giá xăng tăng nhẹ thì việc xả Quỹ BOG có tác dụng nhất định, tuy nhiên trong bối cảnh giá xăng tăng quá cao, Quỹ BOG xăng dầu đang bộc lộ những bất cập. Mức chi quỹ quá nhỏ so với mức tăng giá khiến cho người tiêu dùng cảm thấy hiệu quả của quỹ là “bằng 0”. Chưa kể việc ủy thác quản lý thu, trích lập và chi dùng quỹ cho DN có thể tạo nhiều kẽ hở cho sự lạm dụng và tham nhũng, hoặc làm phát sinh chi phí quản lý, giám sát hoạt động của quỹ. Đặc biệt hiện nay, do vẫn phải vận hành quỹ nên giá xăng càng khó bám theo cơ chế thị trường minh bạch, phản ánh không đúng xu hướng của thị trường thế giới. Có tình trạng giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng trong nước tăng nhanh hay chậm là theo mong muốn của nhà điều hành vì vẫn phải xả quỹ. Ngược lại, khi giá xăng dầu thế giới giảm nhưng giá trong nước không giảm tương ứng vì bị neo giá trong nước ở mức cao để tạo nguồn cho quỹ.
Về vấn đề này, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Trưởng ban Pháp chế Đậu Anh Tuấn cho rằng trong bối cảnh nhiều Quỹ BOG xăng dầu tại các tập đoàn lớn bị âm, dẫn tới rủi ro lớn cho DN. DN lỗ, thiếu vốn thì đẩy sang ngân hàng (tức là DN đi vay ngân hàng và chịu lãi suất), sau này khấu trừ. Cơ chế này dẫn đến tình trạng là toàn bộ gánh nặng bình ổn, buộc DN phải gánh khoản âm quỹ, chịu lỗ để bù giá. Dù hiện nay Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có tách khoản âm quỹ này (và lãi suất đi vay) ra riêng, DN có đỡ hơn trước nhưng số âm quỹ này DN phải chịu là rất lớn.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay, vấn đề về quỹ bình ổn xăng dầu lâu nay có hai luồng ý kiến trái chiều là “giữ và bỏ”. Hầu hết chuyên gia đều cho rằng nên bỏ quỹ này vì cần theo cơ chế thị trường, do thị trường tự điều tiết. Hơn nữa, quỹ này về bản chất là do người tiêu dùng tự bỏ tiền ra, trong khi nhiệm vụ bình ổn đáng lẽ là của Nhà nước. Ngược lại, cơ quan chức năng cho rằng vẫn nên giữ quỹ này, đặc biệt trong bối cảnh Nhà nước còn định giá và tần suất điều chỉnh giá tương đối dài, 10-15 ngày.
Vị chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm theo dõi giá xăng dầu cho rằng nếu thời gian điều hành giá xăng dầu được rút xuống còn 2-3 ngày/lần thì nên bỏ Quỹ BOG . Vì với tần suất điều hành ngắn như vậy, việc cân nhắc mức trích quỹ, xả quỹ bao nhiêu cho phù hợp cũng rất phức tạp, khó điều hành. Còn với tần suất điều hành 10 ngày/lần như hiện nay thì không nên bỏ quỹ.
Đã tới thời điểm bỏ quỹ?
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), cũng cho rằng khi xăng dầu được vận hành theo thị trường thì nên bỏ quỹ bình ổn, song nếu xăng dầu vẫn chưa được vận hành theo thị trường thì chưa nên bỏ quỹ. “Thời gian qua, quỹ bình ổn đã thể hiện khá tốt vai trò của mình. Nhưng hiện nay đã đến thời điểm chín muồi để mặt hàng xăng dầu được vận hành theo cơ chế thị trường, tôn trọng các nguyên tắc thị trường” - ông Bảo nhấn mạnh.
Về những lo lắng khi không còn quỹ bình ổn thì căn cứ dư địa nào để giảm giá xăng dầu, ông Bảo cho hay: Về cơ bản ở thị trường nào cũng vậy, đều có phương thức để làm dịu bớt áp lực tăng giá xăng dầu. Có thể can thiệp bằng các công cụ thuế, phí hoặc có biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ giá xăng dầu tăng cao.
Từ góc độ quản lý về vĩ mô của Nhà nước, Quỹ BOG là công cụ kiểm soát tăng giá, vai trò là cần thiết, nhưng đứng ở góc độ DN, ông Bảo cho rằng DN không cần bởi không được lợi. Việc duy trì quỹ khiến DN phải bố trí thêm nhân sự trong hệ thống để theo dõi hoạt động của quỹ.
Tuy nhiên, để hướng tới bỏ Quỹ BOG, theo ông Bảo, giá xăng dầu nên được điều chỉnh hàng ngày. Xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường thì chẳng có lý do gì để tồn tại Quỹ BOG xăng dầu.
Chuyên gia kinh tế GS Đặng Đình Đào nêu quan điểm, Quỹ BOG mặt hàng chiến lược cần được công khai, minh bạch hơn. Có như vậy thì giá xăng dù tăng hay giảm cũng đều không gây hiệu ứng tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân.
TS Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính):
Vai trò của quỹ đã hoàn thành
Đây là thời điểm nên bỏ Quỹ BOG xăng dầu, bởi vai trò của quỹ đã hoàn thành. Quỹ BOG xăng dầu bản chất là thu thêm trong giá xăng nên tác dụng của nó chỉ thể hiện được khi giá xăng tăng xong lại giảm, còn giá xăng tăng liên tục thì không. Nếu giá xăng tăng liên tiếp, vô hình số thu vài trăm đồng/lít xăng khiến cho quỹ thất thu, phải chi liên tục nên quỹ này chẳng có tác dụng làm gì so với biến động giá xăng dầu hiện nay.
PGS. TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):
Quỹ Bình ổn xăng dầu không giúp người tiêu dùng giảm chi phí
Cách thức hoạt động của quỹ là “chỉ lấy tiền trước, rồi sau đó trả lại cho bà con vào một lúc nào đó”. Mục tiêu của quỹ, như tên của chính nó, đó là “bình ổn” hay làm giảm sự truyền tải biến động của giá thế giới vào giá trong nước. Các mục tiêu khác, nếu có, chỉ là phụ.
Nếu giá xăng dầu tăng thì hoạt động xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng hưởng lợi. Nguồn thu này cũng cần được trích một phần để mang lại ổn định cuộc sống cho người dân. Cần phải có nghiên cứu về những tác động của Quỹ BOG xăng dầu kể từ khi ra đời đến nay. Liệu tác động của quỹ này có thật sự giúp cho người dân trong nước mua được giá xăng rẻ hơn thế giới hay không?
Nguồn tin: Đại đoàn kết