Hãy tưởng tượng những chiếc xe của tương lai sẽ không sử dụng xăng dầu như hiện nay mà lại chạy bằng... kim loại.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng khác như khí hydro, xăng sinh học hoặc dùng động cơ điện.
Không dừng lại ở đây, ý tưởng sử dụng bột kim loại làm nhiên liệu cũng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Theo GS.Jeffrey Bergthorson tại Đại học McGill thì công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang phát triển khá nhanh tuy nhiên nó không thể thay thế hoàn toàn cho năng lượng hóa thạch.
Xăng sinh học không thể đáp ứng nhu cầu khổng lồ của con người; sử dụng khí hydro đòi hỏi công nghệ phức tạp và nguy cơ cháy nổ cao.
Trong khi đó, công nghệ pin năng lượng ngày nay vẫn còn yếu và cồng kềnh. Việc sử dụng bột kim loại như một nguồn năng lượng thay thế là một điều hoàn toàn khả thi. Nó giúp tạo ra nguồn năng lượng sạch và bền vững hơn.
Ngọn lửa tạo ra từ việc đốt các loại bột kim loại
Không giống như động cơ đốt trong hiện nay, động cơ sử dụng bột kim loại là loại động cơ khác. Nó là phiên bản hiện đại của động cơ hơi nước trước kia.
Loại động cơ này đang được sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân hoặc nhiệt điện để tạo ra điện sinh hoạt.
Ý tưởng động cơ sử dụng bột kim loại và các ứng dụng
Ý tưởng đốt bột kim loại không phải là mới, pháo hoa là một ví dụ cụ thể. Từ giữa thế kỷ 20, bột kim loại đã được sử dụng trong công nghệ tên lửa.
Tuy nhiên, nghiên cứu chi tiết về tầm quan trọng và khả năng sử dụng nó để thay thế cho xăng dầu thì chưa nhiều.
Điểm đặc biệt về việc sử dụng bột kim loại làm nhiên liệu đó là sau khi cháy, sản phẩm là oxit kim loại không độc hại và có thể tái chế. Không giống như nhiên liệu hóa thạch khi cháy tạo ra khí CO2 gây hại cho môi trường.
Sử dụng thiết bị đặc biệt, nhóm các nhà khoa học tại Đại học McGill đã có khả năng kiểm soát ngọn lửa từ bột kim loại.
Theo kết quả thu được, sắt là ứng cử viên sáng giá. Công nghệ hiện nay cho phép sản xuất bột sắt với số lượng lớn, khả năng tái chế oxit sắt cũng đã được tính toán.
Thí nghiệm đốt bột sắt và bột nhôm
Bước tiếp theo là chế tạo động cơ thử nghiệm và hoàn chỉnh quy trình tái chế phụ phẩm sau khi sử dụng. Nếu thành công, đây sẽ là bước đột phá quan trọng giúp làm giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch hiện nay.
Nguônf tin: Soha.vn