Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Quản lý kinh doanh xăng, dầu

Theo Bộ Công thương, việc thực hiện Nghị định 55/2007/NÐ-CP về kinh doanh (KD) xăng, dầu gần hai năm qua đã góp phần chuyển KD mặt hàng đặc biệt này sang cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước, bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống, từng bước tổ chức và phát triển hệ thống phân phối xăng, dầu theo quy hoạch, gắn trách nhiệm từ doanh nghiệp (DN) KD xuất nhập khẩu xăng, dầu đến đại lý và trạm bán lẻ.

Tuy nhiên, sự biến động bất thường của thị trường thế giới vừa qua và sau khi chuyển KD toàn bộ mặt hàng xăng, dầu theo cơ chế thị trường thì một số nội dung của Nghị định (NÐ) 55 không còn phù hợp. Ngoài ra, từ quý I năm nay, ngoài nguồn cung từ nhập khẩu, sẽ có thêm nguồn cung từ lọc dầu trong nước, nên cần có thêm quy định để quá trình KD từ các nguồn khác nhau có điều kiện cạnh tranh bình đẳng.

Thời gian qua, nhất là trong năm 2008, một số DN trong thời điểm khó khăn đã giãn tiến độ nhập khẩu, không tham gia tích cực vào bình ổn thị trường; ngược lại khi điều kiện KD thuận lợi lại tăng tiến độ NK, gây khó khăn cho các DN thực hiện nghiêm túc công tác bảo đảm nguồn.NÐ 55 chỉ quy định DN nhập khẩu xăng, dầu phải nhập khẩu theo hạn mức tối thiểu được giao hằng năm và DN sản xuất phải đăng ký kế hoạch sản xuất hằng năm. Do vậy, cần bổ sung quy định về đăng ký và thực hiện nhập khẩu, sản xuất theo thời gian ngắn hơn là hằng quý.

Về quy định giá bán xăng, dầu, NÐ 55 giao liên Bộ Tài chính - Công thương thiết lập cơ chế để DN tự điều chỉnh giá bán khi giá thế giới bình quân trong khoảng thời gian nhất định trước đó (từ 15 đến 20 ngày) biến động trong biên độ nhất định (từ 15% đến 20%). Thực tế, giá thế giới biến động rất phức tạp cả về thời gian và biên độ (Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Quỹ bình ổn giá xăng, dầu), cho nên cần sửa đổi NÐ 55 theo hướng giao liên Bộ Tài chính - Công thương hướng dẫn cơ chế tự điều chỉnh giá bán của DN phù hợp sự biến động thị trường thế giới từng thời kỳ, trong khoảng thời gian tương ứng quy định về dự trữ lưu thông bắt buộc.

Về dự trữ lưu thông, NÐ 55 quy định DN phải bảo đảm mức dự trữ lưu thông bằng 20 ngày, cung ứng theo kế hoạch cả về số lượng và chủng loại và tăng dần lên ít nhất 30 ngày vào năm 2010. Ðể bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng trong tình hình mới và phù hợp nhịp độ tăng trưởng kinh tế, nhiều chuyên gia đề nghị tăng mức dự trữ hiện nay lên 30 ngày và ít nhất là 35 ngày vào năm 2015. Sau năm 2015, mỗi năm phải tăng mức dự trữ thêm hai ngày.

Về thuế nhập khẩu xăng, dầu, để tình hình KD của DN; giá bán trong nước và nguồn thu ngân sách được ổn định, đề nghị ổn định thuế suất thuế nhập khẩu xăng, dầu trong một thời gian nhất định (có thể ít nhất là trong một quý) và tiến tới áp dụng mức thuế nhập khẩu tuyệt đối (trên lít, kg xăng, dầu).

Như vậy, để đưa kinh doanh, sản xuất xăng, dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường đầy đủ, có sự quản lý của Nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, giữ ổn định tương đối, tăng chất lượng dự báo và lập kế hoạch..., cần bổ sung, điều chỉnh cơ chế quản lý sản xuất, kinh doanh xăng, dầu theo sát thực tế.
 
(Nhân dân)

ĐỌC THÊM