Gian lận kinh doanh xăng dầu trong năm 2009 sẽ chấm dứt? Câu hỏi đó chưa dễ trả lời bởi chế tài xử lý vi phạm chưa thật sự thỏa đáng.
Chỉ với thời gian 4 tháng vào cuối năm 2008, thanh tra sở Khoa học và Công nghệ của 61 tỉnh thành đã thanh tra 3.890 cơ sở kinh doanh xăng dầu, và 636 cơ sở kinh doanh gas, phát hiện có đến 797 cơ sở có vi phạm, chiếm 17,9% số cơ sở đã kiểm tra. Các vi phạm chủ yếu là: Làm thay đổi tình trạng kỹ thuật phương tiện đo, đong thiếu, pha chế làm kém chất lượng... với thủ đoạn ngày càng tinh vi như gắn IC, gắn chíp điện tử... Càng xa TP, thị xã thì mức độ vi phạm càng cao.
1.001 kiểu vi phạm
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Chi cục trưởng Chi cục đo lường chất lượng Sở KNCN TP HCM cho biết: TP HCM có khoảng 3.000 cây xăng, sau 4 tháng thanh tra thì có đến 30% cây xăng vi phạm trong số cây xăng có thanh tra. Theo bà Nga, nạn kinh doanh XD gian lận do nguyên nhân chính là các quy định xử phạt chưa đủ mạnh, ngành thanh tra chưa đủ lực lượng thanh tra thường xuyên, nhà nước chưa có văn bản quy trách nhiệm đối với các nhà sản xuất cột đo (cây xăng). Bà Nga nêu cụ thể: Còn rất nhiều vướng mắc gây khó cho cơ quan thanh tra như: Không có hồ sơ lưu cột đo mẫu để đối chiếu, việc chấp nhận sai số trong quy trình kiểm định chưa thống nhất với sai số trong quy trình kiểm tra...
Tiến sĩ Y Ghi Niê - GĐ Sở KHCN tỉnh Đăk Lăk thì nêu một vướng mắc rất lớn, thuộc thẩm quyền của Chính phủ là có sự chồng chéo giữa Bộ KHCN và Bộ Công Thương trong vấn đề kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu - gas. Từ ngữ của Tiến sĩ Y Ghi Niê dùng là Bộ Công Thương "tranh việc" với Bộ KHCN, do có sự chồng chéo của các nghị định của Chính phủ. Đơn giản nhất là nếu kinh doanh xăng dầu - gas gian lận thì cũng thuộc trách nhiệm chống buôn lậu - hàng gian hàng giả của Bộ Công Thương, nhưng cũng thuộc trách nhiệm của Bộ KHCN về đo lường chất lượng...
Bà Phương Mai - đại diện Sở KHCN tỉnh Gia Lai nêu lên một nguyên nhân nữa là khả năng kiểm tra, thanh tra của ngành chức năng kém về lực lượng và phương tiện, vì thế những cây xăng ở càng xa trung tâm thì càng hay vi phạm. Bà Mai nêu cụ thể: Gia Lai thanh tra 165 cây xăng thì có đến 75 cây xăng vi phạm, chủ yếu ở vùng xa.
Bàn giải pháp đủ mạnh
Đại diện Sở KHCN TP Đà Nẵng bức xúc: Phạt là không ăn thua, cơ sở nào gian lận phải đăng báo, lên tivi để người dân tẩy chay không mua xăng ở cây xăng đó. Thanh tra là phải đột xuất, xử phạt theo mức hiện hành là quá thấp, không tác dụng. Nếu cơ sở nào vi phạm lần 2 mà phạt 20 triệu đồng là không đủ mạnh, cần phải rút giấy phép kinh doanh. Phải truy thu số tiền do gian lận mà có, tính thời gian gian lận là từ lần kiểm tra gần đây nhất, nếu trong một cơ sở phát hiện một cột đo gian lận thì kết luận toàn bộ các cột đo khác cũng gian lận. Biên bản kiểm định phải ghi rõ vị trí niêm phong. Gắn hộp đen ghi lại quá trình hoạt động tại cột bơm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga bổ sung: Chỉ cần sai số 10% trở lên là phải rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn. Tổ thanh tra của Sở KHCN quá ít người, ví dụ ở TP HCM riêng lĩnh vực kinh doanh XD có trên 3.000 cây xăng, nhưng tổ thanh tra của sở KHCN chỉ có 4 người. Các Cty kinh doanh XD phải chịu trách nhiệm về sai phạm của cơ sở - đại lý của mình, và phải bị phạt liên đới. Phải có văn bản buộc các nhà sản xuất cột đo XD chịu trách nhiệm về tính chính xác...
Bà Phương Mai bổ sung: Phải trang bị cho đoàn kiểm tra đủ phương tiện máy móc. Ví dụ do đoàn kiểm tra không có máy đo chỉ số ốc tan, nên không thể kết luận là cây xăng bán xăng kém chất lượng, dù người mua đã phản ánh chính xác. Chỉ nên cho kinh doanh một loại xăng, không nên cho kinh doanh 4 loại như hiện nay.
Tiến sĩ Hồ Tất Thắng - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng VN bức xúc: Chúng ta đã quá lỏng lẻo trong kiểm định chất lượng, số lượng... hàng hóa sản phẩm, làm xảy ra hàng loạt vi phạm về XD, về thuốc y tế, về thực phẩm như vụ sữa có chất melamine, nước tương có chất 3MPCD, gian lận XD... và mới đây nhất là nhiều sản phẩm sữa ghi hàm lượng đạm rất cao nhưng thực tế là sản phẩm đó hầu như không có chất đạm. Để người tiêu dùng bị lừa, bị thiệt hại là lỗi và là trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
(Việt Stock)