Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Quản lý, điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015-2016: Doanh nghiệp đầu mối thặng dư 4.800 tỷ đồng do… 2 cách tính thuế

Phát hiện điểm bất cập đối với các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, cụ thể là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipeco) chưa được hoàn thuế nhập khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế Giá trị gia tăng (GTGT) giai đoạn 2015-2016 lần lượt là 204,8 tỷ đồng và 27,3 tỷ đồng của các tờ khai có Chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D, C/O mẫu KV, KTNN đã đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan nhanh chóng xác minh, giải quyết theo quy định. 

Ảnh minh họa

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhận được phần lớn ý kiến đồng thuận Đặt kinh doanh xăng dầu trong thị trường cạnh tranh

Trên đây là kiến nghị KTNN gửi tới Bộ Tài chính sau khi kết thúc kiểm toán Chuyên đề việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015-2016.

Nhiều vướng mắc trong việc hoàn thuế nhập khẩu và thuế TTĐB

Đối với Petrolimex, KTNN xác định thuế nhập khẩu năm 2015 chưa được hoàn là 64 tỷ đồng; thuế nhập khẩu và thuế TTĐB năm 2016 chưa được hoàn là 141 tỷ đồng (số liệu trong bài được làm tròn). Ngày 03/3/2017, Tập đoàn đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan về việc đề nghị chấp nhận các C/O mẫu D năm 2015, nhưng đến thời điểm kiểm toán (từ ngày 11/4 - 03/6/2017), Tập đoàn vẫn chưa nhận được văn bản trả lời. Thuế nhập khẩu và thuế TTĐB năm 2016 của Tập đoàn cũng chưa được hoàn, theo trả lời của các Chi cục Hải quan Hòn Gai và Vân Phong là do có một số lỗi ghi trên C/O mẫu D và C/O mẫu KV của đơn vị cần được xác minh. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán, các lô hàng trên vẫn chưa được các chi cục hải quan xác minh.

Hiện tại, theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, thuế TTĐB được tính dựa trên giá bán ra của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu (đầu mối). Tuy nhiên, mức thuế TTĐB mặt hàng xăng dầu cơ cấu trong giá cơ sở do Bộ Công Thương tính toán và ban hành từng kỳ cụ thể lại được xác định theo giá bán lẻ.

Vấn đề này dẫn đến thực trạng người tiêu dùng đóng thuế TTĐB mặt hàng xăng theo giá bán lẻ nhưng số thuế TTĐB thực nộp vào NSNN lại theo giá bán buôn. Phần thuế TTĐB chênh lệch giữa 2 phương pháp tính, tương ứng với chênh lệch giá bán buôn và giá bán lẻ, chưa được nộp vào NSNN.

Tương tự, đối với Mipeco, thuế nhập khẩu, thuế GTGT mà DN này chưa được hoàn năm 2015 là 14,2 tỷ đồng; thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế GTGT năm 2016 chưa được hoàn là 13,1 tỷ đồng. Mặc dù DN đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP. HCM đề nghị trả lời về kết quả xác minh C/O mẫu D đã nộp năm 2015 nhưng đến thời điểm kiểm toán, DN vẫn chưa nhận được văn bản trả lời.

Còn trong năm 2016, nguyên nhân DN chưa được hoàn thuế là do khi kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã xác định Giấy Chứng nhận xuất xứ của lô hàng không phù hợp và ban hành Quyết định số 4278/QĐ-HQHP ngày 17/11/2016 để ấn định thuế.

Mặc dù ngày 29/12/2016, Cục Giám sát quản lý về hải quan thuộc Tổng cục Hải quan có văn bản số 1970/GSQL-GQ4 về việc mẫu C/O của đơn vị, trong đó có nêu trường hợp của đơn vị có thể coi là một lỗi nhỏ, không ảnh hưởng đến xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Thông tư số 40/2015/TT-BTC ngày 18/11/2015 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán, Mipeco vẫn chưa được hoàn thuế.

Đáng chú ý hơn, cùng với kiến nghị trên, để hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới, KTNN đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng dầu theo giá bán lẻ nhằm đảm bảo tiền thuế đã thu của người tiêu dùng cơ cấu trong giá bán lẻ được nộp đầy đủ vào NSNN. Bởi vì cách tính như hiện nay đang dẫn đến thực trạng người tiêu dùng đóng thuế TTĐB mặt hàng xăng theo giá bán lẻ nhưng số thuế TTĐB thực nộp vào NSNN lại theo giá bán buôn.

Cần minh bạch, rõ ràng hơn trong tính giá cơ sở
Bên cạnh đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở của liên Bộ Công Thương - Tài chính giai đoạn 2015-2016 được xác định từ ngày 01/01/2015 đến ngày 04/3/2016 theo tỷ lệ thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường; từ ngày 06/3/2016 đến nay theo tỷ lệ thuế suất thuế nhập khẩu bình quân giữa thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt và thuế suất thuế ưu đãi thông thường.

Trong khi đó, tại các DN đầu mối, giai đoạn 2015-2016, mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu được quy định bởi 2 chính sách: chính sách áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường đối với hàng không có C/O mẫu D, mẫu KV và chính sách áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng có C/O mẫu D, mẫu KV.

Vấn đề trên dẫn tới khi đơn vị được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì thuế suất thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở cao hơn thuế suất nhập khẩu xăng dầu thực tế áp dụng tại các DN đầu mối, qua đó tạo nên một khoản thặng dư cho các DN đầu mối giai đoạn 2015-2016 là 4.809 tỷ đồng. Do vậy, KTNN đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, áp dụng thống nhất một mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu tính giá cơ sở phù hợp để thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu, hạn chế tối đa việc trốn lậu thuế và tình trạng DN đầu mối bị các đối tác cung cấp xăng dầu nhập khẩu ép giá.

Theo phân tích của KTNN, do ảnh hưởng của thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nên trị giá hàng nhập xăng dầu được ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt bình quân năm thường thấp hơn so với hàng không được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Bên cạnh đó, mức phụ phí Premium (chi phí cộng tới - khoản tiền thêm giữa người mua và người bán vượt trên mức hiện tại) theo hợp đồng của những lô hàng hưởng ưu đãi thuế thường cao hơn những lô hàng không được hưởng ưu đãi thuế.

Nguyên nhân là do có sự chênh lệch về thuế suất thuế nhập khẩu xăng được ưu đãi đặc biệt và không được ưu đãi đặc biệt khiến các DN đầu mối ngày càng tập trung mua hàng có C/O mẫu D, C/O mẫu KV kéo theo nhu cầu về nguồn hàng này ngày một gia tăng. Điều này dẫn đến tình trạng các DN đầu mối bị các đối tác cung cấp xăng dầu nhập khẩu ép giá, đẩy mức phụ phí Premium lên cao.

Hơn nữa, KTNN nêu rõ, trong số 47 kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ tính giá cơ sở của liên Bộ Công Thương - Tài chính giai đoạn 2015-2016, có 23 kỳ điều hành giá năm 2015 không công bố giá cơ sở của dầu diezel 0,25S và 47 kỳ điều hành giá năm 2015, 2016 không công bố giá cơ sở của xăng RON 95.

Đồng thời, tổng giá trị lượng xăng dầu tính theo giá cơ sở nhà nước công bố cao hơn tổng giá trị hàng nhập tính theo giá cơ sở tính thực tế phát sinh tại 10 DN đầu mối được kiểm toán là gần 123 tỷ đồng, trong đó: Mặt hàng Xăng A92 thấp hơn 236 tỷ đồng, dầu DO 0,05S cao hơn là 205 tỷ đồng, dầu FO 3,5S cao hơn là 167 tỷ đồng, dầu hỏa KO thấp hơn 13 tỷ đồng. Nguyên nhân là do cách tính toán các yếu tố hình thành giá cơ sở (giá CIF - giá giao hàng tại cảng dỡ hàng; thuế nhập khẩu; chi phí kinh doanh) còn bất cập.

Để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế trên, KTNN đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương xem xét việc xác định giá cơ sở cho phù hợp với tình hình thực tế, cũng như quản lý chặt chẽ hơn giá bán lẻ xăng dầu.

Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế đôn đốc các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu tăng nộp NSNN 252 tỷ đồng, gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam 85 tỷ đồng; Petrolimex 54 tỷ đồng; Công ty CP Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải STS 27 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thành Lễ 23 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Tổng công ty Xăng dầu Quân đội 18 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp gần 18 tỷ đồng; Công ty CP Hóa dầu Quân đội 14 tỷ đồng; Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu 10 tỷ đồng; Công ty TNHH Hải Linh gần 3 tỷ đồng; Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hà Hải 123 triệu đồng. Đồng thời, đôn đốc Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Kiên Giang tăng nộp NSNN 3,4 tỷ đồng.

Nguồn tin: vietnambiz.vn

ĐỌC THÊM