Máy bay chở Tổng thống Putin đã hạ cánh xuống sân bay Riyadh vào khoảng 10h35 GMT ngày 14/10. Nhà lãnh đạo Nga đã được chào đón nồng nhiệt bằng loạt súng đại bác. Một buổi lễ tiếp đón long trọng Tổng thống Putin được Vua Arab Saudi Salman tổ chức trước khi hai nhà lãnh đạo có cuộc hội đàm, theo Điện Kremlin.
Arab Saudi - lãnh đạo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga - mặc dù không phải là thành viên của nhóm, đã hợp tác chặt chẽ trong những năm gần đây để hạn chế nguồn cung dầu mỏ nhằm đẩy giá dầu tăng sau khi bị sụt giảm mạnh vào năm 2014-2015. Lệnh kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng gần đây được 24 quốc gia sản xuất dầu quyết định, sẽ hết hạn vào cuối tháng 3/2020. Đây là "chủ đề chính của các cuộc thảo luận" giữa Tổng thống Putin với Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman, theo nhà phân tích chính trị Nga Fyodor Lukyanov.
Năm 2015, khi chính quyền Obama bất ngờ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, Arab Saudi không khỏi sốc khi cảm thấy bị đồng minh lâu năm "đâm sau lưng". Riyadh từ đó bắt đầu tìm tới Nga và Trung Quốc để đề phòng rủi ro trong các vụ cá cược chính trị. Năm 2017, Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud có chuyến thăm lần đầu tiên trong lịch sử đến Nga, gửi đi tín hiệu rõ ràng hơn bao giờ hết. Một năm sau, trong khi Thái tử Mohammed bin Salman đang bị quốc tế tẩy chay do liên quan đến vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Vladimir Putin đã chào Thái tử Arab Saudi bằng cái vỗ tay được đánh giá cao trước các nhà lãnh đạo G20 ở Buenos Aires năm 2018.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn các kênh truyền hình tiếng Arab, phát sóng vào ngày 13/10, một ngày trước chuyến thăm vương quốc Arab Saudi, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ làm việc với Arab Saudi để chống lại bất kỳ nỗ lực nào gây bất ổn thị trường dầu mỏ. "Nếu bất cứ ai tin rằng các hành động như bắt giữ tàu chở dầu hoặc tấn công các cơ sở hạ tầng dầu mỏ có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa Nga và những người bạn Arab của chúng tôi..., thì họ sẽ sai lầm", ông Putin nói. "Chúng tôi chắc chắn sẽ làm việc với Arab Saudi và các đối tác và bạn bè khác của chúng tôi trong thế giới Arab... để vô hiệu hóa bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây bất ổn thị trường dầu mỏ", Tổng thống Nga nói. Cũng trong bài phỏng vấn này, nguyên thủ Nga đã ca ngợi "mối quan hệ rất tốt giữa ông với Nhà vua và Thái tử Arab Saudi".
"Mục tiêu của chúng tôi là ổn định tình hình thị trường năng lượng toàn cầu", Tổng thống Nga nói. "Cho đến nay, rất nhiều điều tích cực đã được thực hiện theo chiều hướng này", ông Putin cho biết đồng thời ca ngợi vai trò của Thái tử Mohammed bin Salman. "Đó thực chất là những sáng kiến của ông ấy, chúng tôi ủng hộ họ và chúng tôi thấy rằng chúng tôi đã làm rất tốt", Tổng thống Vladimir Putin nói.
Vào giữa tháng 9, giá dầu đã tăng mạnh trong một thời gian ngắn sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Arab Saudi. Vụ tấn công này đã buộc Riyadh phải giảm mạnh sản xuất, nhưng kể từ đó giá dầu lại giảm trở lại. Arab Saudi và Hoa Kỳ, tiếp theo là Đức, Anh và Pháp, cáo buộc Iran chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công này. Về phần mình, Tehran đã phủ nhận mọi liên quan đến các cuộc tấn công do phiến quân Houthi của Yemen nhận trách nhiệm. Không chọn cách đứng về phía ai trong cuộc khủng hoảng này, Nga đã phản ứng bằng cách đề nghị Riyadh mua tên lửa của mình để tự vệ, đồng thời bác bỏ mọi "kết luận vội vàng" chống lại Iran. "Một cường quốc lớn như Iran không thể không có lợi ích riêng... và những lợi ích này phải được tôn trọng", ông Putin nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với các kênh tiếng Arab.
"Tôi đã nói về vụ việc với Thái tử và nói với ông ấy rằng cần phải có bằng chứng cho thấy người này hay người khác đứng đằng sau những hành vi trên", ông Putin nói và thêm rằng Nga sẵn sàng tham gia điều tra. Moscow, có quan hệ tốt với tất cả các nước trong khu vực, với người Iran cũng như với thế giới Arab, cũng có thể "đóng vai trò tích cực" trong nỗ lực giảm căng thẳng giữa Iran và Arab Saudi, ông Putin nói. "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để tạo ra những điều kiện cần thiết nhằm giảm bớt căng thẳng trong khu vực”, ông Putin nhấn mạnh.
Ngoài vấn đề dầu mỏ, Iran, cuộc xung đột Syria cũng nằm trong chương trình đàm phán giữa Tổng thống Vladimir Putin với các nhà lãnh đạo Arab Saudi, Cố vấn Điện Kremlin Yuri Ushakov nói. Ở Syria, Nga và Iran ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Arab Saudi ủng hộ phe đối lập.
Cuộc bàn thảo này diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang mở cuộc tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd và quân Mỹ bắt đầu rút khỏi Syria. Bối cảnh này có thể có lợi cho Arab Saudi và Nga. "Điều quan trọng đối với Nga là một quốc gia Arab nên tham gia vào giải quyết vấn đề chính trị ở Syria", chuyên gia Fyodor Lukyanov nói, bởi vì cho đến nay "chỉ có ba quốc gia không thuộc thế giới Arab", Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đang tham gia giải quyết vấn đề ở Syria.
Cuối cùng, trong chuyến thăm này, ông Putin đã chứng kiến lễ ký khoảng 30 thỏa thuận và hợp tác, trong lĩnh vực công nghệ cao - đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, năng lượng và cơ sở hạ tầng - trị giá lên tới hai tỷ đô la. Một diễn đàn đầu tư Nga-Arab Saudi, nơi quy tụ hơn 300 người tham gia, cũng đã được tổ chức. Đây là "phái đoàn doanh nhân Nga lớn nhất trong lịch sử quan hệ Nga-Arab Saudi". Kim ngạch thương mại giữa hai nước, dù vẫn tương đối thấp nhưng cũng đang gia tăng nhanh chóng, từ 15% năm 2018 lên 38% năm 2019. Ngoài ra, hai nước cũng trao đổi về dự án cơ sở dầu khí chung trị giá 1 tỷ đô la.
Một vấn đề khá nhạy cảm trong mối quan hệ Nga - Arab Saudi đó chính là lời chào mua vũ khí, hệ thống phòng không của Tổng thống Nga với Riyadh mới đây, khi “chiếc ô” phòng không Patriot từ Mỹ đã tỏ ra thiếu đi sự hiệu quả. Nếu Arab Saudi xem xét lời mời này, thì đây có thể sẽ là bước ngoặt lớn của mối quan hệ Arab Saudi - Nga. Vào tháng 10/2017, Nga và Arab Saudi cũng đã ký một biên bản ghi nhớ mở đường cho Riyadh mua S-400, hệ thống tên lửa phòng không của Nga. Giao dịch này không thành vì Riyadh cuối cùng đã chọn mua hệ thống của Mỹ.
Rõ ràng, với việc thúc đẩy mối quan hệ với Arab Saudi - đồng minh thân cận của Mỹ, ngoài việc Nga được lợi về các dự án đầu tư từ Riyadh, vị thế của một nước Nga tại Trung Đông đang ngày được nâng cao. Giới chuyên gia cảnh báo nếu Mỹ không cẩn thận, Riyadh có thể sẽ trôi ra khỏi quỹ đạo mà Mỹ đang vạch ra, tiến gần hơn với Nga trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang rất muốn tìm kiếm một đối tác chiến lược để tái cấu trúc nền kinh tế.
Nguồn tin: petrotimes.vn