Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Quan hệ đối tác năng lượng Nga-Trung đối mặt với sự không chắc chắn về thỏa thuận đường ống

Liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối cùng có thể đảm bảo được cam kết của Trung Quốc về dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên đầy tham vọng mà có thể chuyển đổi dòng chảy năng lượng khắp châu Á?

Ông Putin dự kiến ​​sẽ thúc đẩy tiến trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia-2 tới Trung Quốc khi gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh cho các cuộc đàm phán và tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba diễn ra từ ngày 17-18/10.

Đường ống được đề xuất sẽ đưa khí đốt từ trữ lượng khổng lồ của Bán đảo Yamal ở phía tây Siberia đến Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới và cũng là khách hàng mua khí đốt hàng đầu.

Các quan chức Nga trong những tháng gần đây đã gặp gỡ những người đồng cấp từ Trung Quốc và Mông Cổ - nơi đường ống dự định đi qua – khi Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak tuyên bố vào tháng 9 rằng tuyến đường Power of Siberia-2 sẽ được hoàn thiện sau các cuộc đàm phán ba bên.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy các cuộc đàm phán năng lượng đang tiến triển, Reuters đưa tin ông Putin cũng dự kiến ​​sẽ tới Bắc Kinh cùng với những người đứng đầu các tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga là Gazprom và Rosneft, Aleksei Miller và Igor Sechin.

Joseph Webster, thành viên cấp cao tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, nói với RFE/RL: “Thật ấn tượng khi thấy cả ông Miller và Sechin đi cùng tổng thống Putin, cũng như các cuộc gặp gần đây với phía Mông Cổ”.

Chuyến đi cấp cao của tổng thống Putin đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông tới Trung Quốc kể từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine, và diễn ra trong bối cảnh Moscow đang cố gắng thúc đẩy thương mại với châu Á trong khi mối quan hệ kinh tế với phương Tây giảm sút. Trung Quốc - một đối tác chính trị và kinh tế quan trọng của Điện Kremlin trong bối cảnh chiến tranh - là trung tâm của chiến lược đa dạng hóa đó và nền kinh tế Nga sẽ nhận được sự thúc đẩy lớn từ đường ống dẫn khí đốt mới.

Điều khó khăn đối với Moscow – quốc gia cần Power of Siberia-2 để bù đắp cho ít nhất một phần thị trường Liên minh châu Âu mà nước này đã mất do hậu quả từ cuộc chiến ở Ukraine – là Bắc Kinh hiện không có động cơ đặc biệt nào để đồng ý với thỏa thuận đường ống mới này.

Các nhà phân tích năng lượng cho biết liên doanh được đề xuất sẽ cần phải vượt qua những thách thức kinh tế, tài chính và kỹ thuật ngày càng lớn để có được kết quả. Khả năng thương lượng của Moscow với nước láng giềng mạnh hơn về kinh tế đã suy yếu trong suốt cuộc chiến ở Ukraine và vẫn còn những hoài nghi về khả năng của Gazprom trong việc thực hiện một dự án cơ sở hạ tầng phức tạp như vậy.

Doanh thu từ đường ống cũng không chắc chắn vì nó phải đối mặt với sự cạnh tranh từ sự chuyển dịch ngày càng tăng của Trung Quốc sang năng lượng tái tạo.

Webster lưu ý, bất chấp những lo ngại ngày càng tăng này, đường ống vẫn có thể được phê duyệt, như một dấu hiệu cho thấy ông Tập đang tìm cách ưu tiên tầm quan trọng địa chính trị của Moscow đối với Bắc Kinh bất chấp những rủi ro xuất phát từ triển vọng kinh tế khó khăn của đường ống.

Webster cho biết: “Nga đã thúc đẩy một thỏa thuận trong một thời gian mặc dù tình hình kinh tế rất bất lợi. Mối quan hệ Nga-Trung rất bền chặt và cả ông Tập và ông Putin dường như đều có ý định đặt nền móng để mối quan hệ này có thể tồn tại lâu hơn họ trên cương vị lãnh đạo”.

Điều gì đang đe dọa chuyến đi của tổng thống Putin?

Được hình thành cách đây hơn một thập kỷ như một phần trong động thái của Nga nhằm đa dạng hóa việc bán khí đốt sang châu Á, đường ống này đã có một chiều hướng mới kể từ tháng 2 năm 2022, khi mức tiêu thụ của châu Âu bắt đầu giảm đáng kể và buộc Điện Kremlin phải khẩn trương tìm người mua thay thế cho khí đốt của mình.

Các cuộc thảo luận về đường ống này đã được tiến hành khi dự án một lần nữa được bàn đến trong chuyến thăm của Putin tới Trung Quốc nhân Thế vận hội Bắc Kinh chỉ vài tuần trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine. Kể từ đó, Moscow tiếp tục nhấn mạnh sự sẵn sàng bắt đầu xây dựng Siberia-2, mặc dù Trung Quốc hầu như vẫn giữ im lặng về vấn đề này.

Trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 3, ông Tập dường như đã phớt lờ đề xuất về đường ống, trong khi Putin ban đầu nói về nó như thể đã đạt được một thỏa thuận, ông nói trong các bài phát biểu công khai rằng "gần như tất cả các thông số... đã được hoàn thiện".

Điều này đã được nhắc lại trong một tuyên bố của Nga vào cuối hội nghị thượng đỉnh để cho thấy rằng nó đã được thảo luận nhưng không đạt được thỏa thuận nào. Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã tới Trung Quốc vào tháng 5 và được cho là đã tổ chức các cuộc thảo luận về đường ống, nhưng cuối cùng lại rời đi mà không có cam kết rõ ràng từ Bắc Kinh.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang diễn ra xung quanh đường ống Power of Siberia-2, ông Tập phần lớn đứng về phía tổng thống Putin trong cuộc chiến ở Ukraine. Thương mại Trung Quốc-Nga đã tăng vọt kể từ cuộc xâm lược và Nga đã bán cho các cường quốc châu Á – kể cả Trung Quốc - khối lượng dầu lớn hơn mà họ không thể bán cho phương Tây vì các lệnh trừng phạt.

Trung Quốc và Nga đã có đường ống Power of Siberia, được khởi công vào năm 2019 và được Putin và ông Tập nhất trí vào năm 2014 ngay sau khi Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea của Kyiv và bùng nổ giao tranh ở miền đông Ukraine bởi phe ly khai được Nga hậu thuẫn. Đường ống đó dự kiến ​​sẽ đạt công suất tối đa 38 tỷ mét khối mỗi năm vào năm 2025 và phụ thuộc vào các mỏ khí đốt mới ở phía đông Siberia.

Ngược lại, Power of Siberia-2 nhằm mục đích cung cấp khí đốt cho Trung Quốc từ Bán đảo Yamal, nơi trước đây có đường ống dẫn đến thị trường EU, bao gồm Dòng chảy phương Bắc, vốn là nguồn tranh chấp lớn trong nhiều năm trước khi bị phá hoại vào năm 2022. Theo ước tính của Nga, đường ống thứ hai ở Siberia có thể vận chuyển tới 50 tỷ mét khối mỗi năm.

Trong khi Putin có thể đang cảm thấy áp lực trong việc tìm kiếm khách hàng mới cho khí đốt vốn được bán sang châu Âu trước cuộc xâm lược Ukraine, nhưng nếu Trung Quốc chờ một cơ hội thật tốt, điều đó có thể cho phép Bắc Kinh có được mức giá thấp hơn cho tuyến đường vận chuyển khí đốt Power of Siberia-2, Jon Yuan Jiang, một nhà phân tích về quan hệ Trung-Nga có trụ sở tại Australia, nói với RFE/RL.

Trung Quốc và Nga vẫn chưa thống nhất về các điều khoản khí đốt được cung cấp qua tuyến đường mới, bao gồm giá cả. Jiang lưu ý rằng các cuộc đàm phán rất phức tạp và những phức tạp hơn nữa có thể nảy sinh do sự không chắc chắn về nhu cầu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc sau năm 2030, khi sự phụ thuộc vào năng lượng tái tạo dự kiến ​​sẽ tăng lên và mức tiêu thụ khí đốt trong nước có thể giảm dần.

Thêm vào đó, doanh thu cuối cùng của Nga có thể không đáng kể so với các hợp đồng đường ống khác mà Điện Kremlin đạt được và sẽ không thể bù đắp được những gì đã bị mất từ ​​doanh số bán khí đốt ở châu Âu.

Công ty đầu tư BCS Global Markets ước tính Power of Siberia-2 sẽ mang lại 12 tỷ USD mỗi năm cho Gazprom và nộp khoảng 4,6 tỷ USD vào tiền thuế cho nhà nước. Số tiền thuế đó chưa bằng một nửa doanh thu năng lượng trung bình hàng tháng của Nga vào năm 2023 nhưng rất được hoan nghênh trong bối cảnh cuộc chiến tốn kém của Điện Kremlin ở Ukraine.

Chiến lược năng lượng của Trung Quốc

Bắc Kinh ưu tiên an ninh năng lượng và tích cực có được các hợp đồng khí đốt tự nhiên với số lượng lớn hơn mức họ thực sự cần để tránh quá phụ thuộc vào bất kỳ nhà xuất khẩu nào.

Khí đốt của Nga hiện chiếm một phần nhỏ trong thị trường tổng thể của Trung Quốc, với các đường ống trên đất liền vận chuyển Trung Á từ Turkmenistan - cũng như các hợp đồng dài hạn với Qatar, Hoa Kỳ, Australia và các công ty năng lượng khác về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) chiếm phần còn lại của nguồn cung cấp cho nước này.

Đa dạng hóa là trọng tâm trong các thỏa thuận khí đốt của Trung Quốc và ông Tập cũng đề nghị hỗ trợ cho việc xây dựng cái gọi là đường ống Line D - đường ống thứ tư đưa khí đốt của Turkmenistan đến Trung Quốc - trong hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Trung Á hồi tháng 5.

Alicja Bachulska, chuyên gia chính sách về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, nói với RFE/RL rằng Trung Quốc vẫn chưa đưa ra tín hiệu “nhu cầu đối với khí đốt của Nga sẽ như thế nào trong tương lai” và rằng Bắc Kinh đang do dự về việc dựa dẫm “vào Nga khi nói đến nhập khẩu khí đốt."

Bà nói thêm rằng ngay cả khi đường ống được phê duyệt, "việc hoàn tất cũng sẽ mất nhiều năm và nhiều vòng đàm phán khó khăn hơn về giá cả và các vấn đề liên quan khác" sẽ làm trì hoãn bất kỳ tác động nào đến thị trường năng lượng của Trung Quốc và kho bạc nhà nước Nga.

Webster của Hội đồng Đại Tây Dương lưu ý rằng việc phê duyệt đường ống không phải là điều chắc chắn và chuyến đi sắp tới của Putin có thể khiến nhà lãnh đạo Nga rời Bắc Kinh mà không có cam kết rõ ràng về Power of Siberia-2. Tuy nhiên, ông cho biết Trung Quốc vẫn có thể đưa ra các hình thức hỗ trợ khác trong chuyến đi nhằm báo hiệu mối quan hệ song phương bền chặt giữa hai nước.

Webster cho biết: “Trung Quốc có thể sẵn sàng cung cấp cho Nga những lợi ích lớn hơn trong các lĩnh vực khác không phải là khí đốt tự nhiên. Có thể đó là những điều kiện thuận lợi về dầu mỏ hoặc hỗ trợ phi sát thương trong các lĩnh vực khác. Trung Quốc có rất nhiều lựa chọn để xoa dịu Nga mà không liên quan đến đường ống Power of Siberia-2."

Nguồn tin: RFE/RL

© Bản tiếng Việt của xangdau.net  

ĐỌC THÊM