Iran cho biết sẽ ủng hộ việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu của OPEC đến cuối năm tới và khẳng định kế hoạch xuất khẩu của mình sẽ không bị gián đoạn bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Amir Zamaninia, Thứ trưởng Thương mại và Các vấn đề quốc tế tại Bộ Dầu mỏ Iran, cho biết: "Chúng tôi hài lòng với cách OPEC đã quyết định cắt giảm sản xuất để tạo ra một sự cân bằng giữa cung và cầu. Chúng tôi cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục và chúng tôi sẽ ủng hộ xu hướng này."
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các đối tác đang tranh cãi liệu có nên tiếp tục cắt giảm sản lượng dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 3, nhằm giảm bớt tình trạng dư thừa dầu toàn cầu và thúc đẩy tăng giá. Trong khi sự hạn chế sản lượng đã cho thấy những dấu hiệu thành công trong những tháng gần đây, thị trường có thể quay trở dư thừa dầu nếu nhóm không gia hạn thỏa thuận.
Tại hội nghị Oil & Money ở London, ông Zamaninia cho biết Iran dự kiến sản lượng dầu đạt 4,7 triệu thùng/ngày vào năm 2021. Hiện tại, nước này đang khai thác 3,8 triệu đến 3,9 triệu thùng mỗi ngày, Bộ trưởng Dầu mỏ Bijan Namdar Zanganeh cho biết hồi đầu tháng này.
Nước này đã đồng ý với mức trần là 3,797 triệu thùng/ngày trong hiệp định OPEC năm ngoái, bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1. Khi được hỏi liệu Iran sẽ hạn chế sản xuất nếu thỏa thuận này được gia hạn hay không, ông Zamaninia cho biết nó sẽ "khớp" kế hoạch mở rộng sản lượng với các chính sách mà Iran đồng ý với OPEC.
Ngành công nghiệp năng lượng của Iran đã phục hồi sau khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ vào đầu năm ngoái, nhưng xuất khẩu dầu của Tehran đang phải đối mặt với một thách thức sau khi tuần trước Trump đe dọa hủy bỏ thỏa thuận quốc tế đã gỡ bỏ các hạn chế thương mại. Trump từ chối xác nhận rằng Iran tuân thủ thoả thuận, mặc dù cũng không phủ nhận hiệp định này.
Zamuminia cho biết, tuyên bố của ông Trump như là "vỗ ngực xưng tên" và có "rất ít hoặc không có ảnh hưởng gì" đối với kế hoạch dầu mỏ của Iran. Iran sẽ chốt ít nhất 10 hợp đồng với các công ty dầu lửa quốc tế vào cuối tháng 3, và đang đàm phán các dự án với các đối tác tiềm năng từ châu Âu, châu Á và Nga.
Nguồn: xangdau.net/Bloomberg