QatarEnergy sẽ hợp tác với TotalEnergy của Pháp trong một dự án năng lượng mặt trời tại Iraq, một phần của dự án năng lượng lớn hơn do công ty này lên kế hoạch. Arabian Gulf Business Insight đưa tin, cả hai sẽ có cổ phần ngang nhau trong doanh nghiệp này.
Cơ sở mà TotalEnergies và QatarEnergy sẽ cùng nhau xây dựng sẽ có công suất tối đa là 1,25 GW và có khả năng cung cấp điện cho 350.000 hộ gia đình tại khu vực Basra trong điều kiện phù hợp. Các cơ sở này, dự kiến sẽ bao gồm tới 2 triệu tấm pin mặt trời, sẽ được xây dựng theo từng giai đoạn bắt đầu từ năm 2025 và kết thúc vào năm 2027.
Đầu năm nay, TotalEnergies đã ký một thỏa thuận lớn với chính phủ Iraq trị giá tổng cộng 27 tỷ đô la trong suốt thời gian tồn tại của tất cả các dự án mà công ty tham gia. Các dự án này bao gồm xây dựng một mạng lưới khí đốt và các đơn vị xử lý mới, xây dựng một đơn vị xử lý nước biển quy mô lớn và xây dựng một nhà máy điện quang điện công suất 1 gigawatt tại khu vực Basra, miền nam Iraq—là nhà máy mà TotalEnergies đang hợp tác với QatarEnergy để xây dựng.
Tuy nhiên, khí đốt là trọng tâm lớn hơn so với năng lượng mặt trời trong kế hoạch đầu tư trị giá 27 tỷ đô la. Là một phần của kế hoạch đó, TotalEnergies và các đối tác của mình sẽ xây dựng các cơ sở để thu hồi khí đồng hành đang được đốt bỏ tại ba mỏ dầu và do đó, cung cấp khí cho công suất phát điện 1,5 GW trong giai đoạn đầu tiên, tăng lên 3 GW trong giai đoạn thứ hai.
Hiện tại, Iraq phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt từ nước láng giềng Iran và muốn tăng cường công suất khí đốt tự nhiên trong nước, hiện chủ yếu là đang bị đốt bỏ đi và do đó gây lãng phí. Các đối tác trong Dự án Tích hợp Tăng trưởng Khí đốt của Iraq là TotalEnergies với 45% cổ phần, QatarEnergy với 25% và Công ty Dầu khí Basra địa phương sở hữu 30%.
Mặc dù tập trung vào khí đốt, chính phủ Iraq cũng có tham vọng về năng lượng mặt trời: đầu năm nay, chính phủ đã phê duyệt việc xây dựng công suất năng lượng mặt trời khoảng 12 GW vào năm 2030.
Nguồn tin: xangdau.net