Qatar đã xuất khẩu lô dầu thô đầu tiên của mình sang một quốc gia láng giềng ở Vịnh Ả Rập kể từ khi Ả Rập Xê-út và một số đồng minh thân cận khôi phục mối quan hệ ngoại giao với quốc gia nhỏ bé này vào tháng 01, sau ba năm rưỡi cấm vận kinh tế và quan hệ căng thẳng.
Qatar, một nhà sản xuất dầu nhỏ, đặc biệt là so với Saudi Arabia, đã vận chuyển khoảng 700.000 thùng dầu của mình đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào đầu tháng 3, theo dữ liệu theo dõi tàu chở dầu của Bloomberg.
Việc giao lô dầu đầu tiên của Qatar cho một nước láng giềng đánh dấu sự bắt đầu khôi phục quan hệ thương mại sau khi Ả Rập Xê-út, UAE, Bahrain và Ai Cập khôi phục quan hệ ngoại giao với Qatar vào đầu tháng 01.
Vào tháng 6/2017, Ả Rập Xê-út và 5 quốc gia Ả Rập khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và gây bất ổn trong khu vực. Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã đưa ra quyết định cắt đứt quan hệ với Qatar "do những vi phạm nghiêm trọng của các nhà chức trách ở Doha". Ả Rập Xê Út và các đồng minh thân cận lo ngại rằng Qatar đã trở nên quá gần gũi với đối thủ trong khu vực của Ả Rập Xê-út, là Iran. Cuộc tẩy chay Qatar do Ả Rập Xê-út dẫn đầu đã dẫn đến việc đóng cửa không phận đối với hãng hàng không Qatar Airways, ngừng giao thương và đóng cửa biên giới.
Sau những nỗ lực ngoại giao từ Kuwait và Mỹ, đầu năm nay Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã khôi phục quan hệ ngoại giao với Qatar, khi Thái tử Saudi Mohammed bin Salman nói rằng thỏa thuận trở lại quan hệ bình thường khẳng định “Vùng Vịnh, Ả Rập và Hồi giáo của chúng ta đoàn kết và ổn định”.
Trong thời gian cấm vận do Ả Rập Xê-út dẫn đầu đối với Qatar, quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này đã rời khỏi OPEC kể từ tháng 1 năm 2020. Qatar xuất khẩu khoảng 500.000 thùng/ngày dầu và khí ngưng, một lượng quá nhỏ so với xuất khẩu của Ả Rập Xê-út, nhưng Qatar là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới.
Tháng trước, hãng dầu khí nhà nước Qatar Petroleum đã đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng để xây dựng dự án LNG lớn nhất thế giới xét về công suất, khi quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này đặt mục tiêu tăng sản lượng hàng năm lên 40% vào cuối năm 2025 và sẽ nhà sản xuất LNG lớn nhất thế giới trong ít nhất hai thập kỷ tới.
Nguồn tin: xangdau.net