Qatar chỉ chiếm 2% tổng sản lượng dầu mỏ của OPEC, nhưng họ là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng LNG lớn nhất nhì thế giới
Tác động từ Qatar
Ngày 3/12, Qatar tuyên bố chính thức rút khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Hành động này đã gây ra sự lo ngại về một nguy cơ thiếu ổn định trong thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Trong 2 tháng qua, giá dầu đã liên tục giảm mạnh, tình trạng thừa cung, thiếu cầu cùng với những lý do chính trị ngầm tác động đã khiến thị trường dầu thô có tình trạng mất ổn định. Những tác động này sẽ còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến giá dầu trong quý 1/2019.
Trong bối cảnh các quốc gia thành viên của tổ chức này đang cố gắng tìm một tiếng nói chung để khắc phục những vấn đề yếu kém trong năng lực phối hợp hợp tác thì Qatar rút khỏi OPEC.
Sự ra đi ấy một lần nữa nhấn mạnh nội khối OPEC đang tồn tại những vấn đề không thể giải quyết nhanh gọn.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi tuyên bố Qatar sẽ rời OPEC
Tuy nhiên, khác với những dự cảm không lành từ các nhà đầu tư, nhiều chuyên gia cho rằng Qatar không đóng góp nhiều vào tác động với giá dầu. Chuyên gia độc lập Kamel al-Harami của Kuwait cho biết:
"Thị phần của Qatar trong sản xuất dầu mỏ trên thế giới là khoảng 600 000 thùng/ngày. Đây là thị phần rất khiêm tốn so với các nước thành viên OPEC khác. Quyết định rời khỏi tổ chức sẽ không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến công việc, thị trường, giá cả và tổ chức của các nước thành viên và không phải là thành viên OPEC" .
Chuyên gia này cho biết thêm, việc Qatar rút khỏi OPEC nhưng sẽ không có thêm thành viên nào gia nhập vào tổ chức này. "Nó sẽ không tạo ra một hiệu ứng liên hoàn dạng Domino. Theo tôi, Qatar đang hướng đến những hành động thực hiện chiến lược cá nhân".
Còn theo chuyên gia Ann-Louise Hittle thuộc công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng toàn cầu Wood Mackenzie có trụ sở tại Endinburgh (Scotland), cho rằng Qatar chỉ đơn thuần nhận thấy họ không thu được gì nhiều từ vai trò thành viên. Trong khi đó, sản lượng của Qatar chỉ chiếm 2% tổng sản lượng của OPEC. "Họ có thể đi, hoặc ở, điều đó không tác động nhiều đến tổ chức này".
Tuy nhiên, trong một quan điểm bi quan hơn, đã có nhiều đánh giá cho rằng Qatar dù không có giá trị về mặt sản lượng, nhưng là đối tác tin cậy, nhiệt thành để trong giải quyết các vấn đề mang tính định hướng cho OPEC.
Đối với các nước thành viên, không phải lúc nào cũng có thể thống nhất với nhau về sản lượng dầu và chiến lược giá cả. Với vị thế của mình, Qatar đã làm cầu nối quan trọng giữa các nước trong liên minh. Ngoài ra, nước này còn giữ vai trò trung gian giúp kết nối giữa OPEC với các đối thủ dầu mỏ lớn khác như Nga hay Mỹ.
Qatar không tác động nhiều đến giá dầu thế giới
Đáng chú ý trong năm 2016, khi giá dầu xuống mức thấp kỷ lục khoảng 30 USD/thùng, Qatar khi đó đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của OPEC đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp xây dựng thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Sau quá trình thương lượng đầy khó khăn, Qatar đã phải thuyết phục các nước trong tổ chức, đặc biệt là Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất, lần đầu tiên sau 8 năm nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Đây được xem là bước tiến lớn giúp tái cân bằng thị trường và giảm sản lượng dư thừa.
Tham vọng Qatar về ngôi vương khí hóa lỏng
Việc Qatar rút khỏi OPEC dù không có nhiều tác động vào các vấn đề nội bộ của tổ chức này, tuy nhiên, nó vẫn để lại những ẩn số khó lường. Qatar đưa ra lý do họ muốn tập trung tăng sản lượng khí hóa lỏng từ 77 triệu lên 110 triệu tấn/năm. Về cơ bản, họ vẫn có thể làm việc này khi còn ở trong OPEC.
Nhưng duy trì trạng thái thành viên sẽ khiến Qatar phải đối mặt với các ràng buộc không đáng có trong chiến lược thực hiện tham vọng mới của mình. Trước hết, Qatar là quốc gia sản xuất khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới. Và họ đang tìm cách xây dựng một trật tự thế giới mới trong lòng các quốc gia sản xuất LNG.
Nguồn tin: baodatviet.vn