Quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ
PV: Thưa ông, thời gian qua, trên thị trường đã xảy ra khá nhiều vụ tiêu cực liên quan đến chất lượng xăng dầu. Ông có thể cho biết, quy trình kiểm soát chất lượng xăng dầu tại PVOIL diễn ra như thế nào?
Ông Cao Hoài Dương: Thứ nhất, về quy trình, quy chế kiểm tra giám sát chất lượng xăng dầu khi nhập, xuất của PVOIL là vô cùng chặt chẽ và nghiêm ngặt. Hiện tại, PVOIL có 3 nguồn hàng: Nhập khẩu từ những đối tác đáng tin cậy; nguồn từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn; nguồn do PVOIL tự pha chế với quy trình được kiểm soát rất chặt chẽ.
Về khâu vận chuyển, PVOIL cũng có những quy trình vận chuyển, bàn giao, lấy mẫu, niêm phong rất nghiêm ngặt. PVOIL ứng dụng công nghệ để kiểm tra trên toàn bộ phương tiện vận chuyển, quá trình vận chuyển qua hệ thống GPS. Còn tại từng cửa hàng, chúng tôi có quy trình lưu mẫu, hệ thống camera giám sát và các quy định quản lý khác
Ngoài quy trình, PVOIL còn gắn trách nhiệm cho từng người, từng vị trí, từ Giám đốc, cán bộ quản lý cho đến từng nhân viên. Sau đó, PVOIL có những chương trình giám sát như Đề án 808 và 1114 với đội đặc nhiệm đi kiểm tra đột xuất các kho xăng, cây xăng để bảo đảm rằng việc kiểm soát chất lượng cũng như bán hàng luôn tuân thủ nghiêm các quy trình.
Tổng giám đốc PVOIL Cao Hoài Dương: Năm 2019, doanh thu PVOIL có khả năng đạt xấp xỉ 69.000 tỉ đồng; đóng góp 9.600 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước. Mỗi CBCNV PVOIL đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 1,5 tỉ đồng, rất đáng tự hào. |
Như vậy, sẽ không chủ quan khi cho rằng, quy trình kiểm soát chất lượng của PVOIL là vô cùng chặt chẽ, nghiêm ngặt, không bỏ sót ở một khâu nào.
Nhưng cuối cùng, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là “cái tâm” của người làm kinh doanh. Từ “cái tâm” của người lãnh đạo, gồm từ lãnh đạo Tổng công ty, lãnh đạo các đơn vị, chi nhánh..., phải bảo đảm không làm ăn gian lận về chất lượng, số lượng. Nếu như Giám đốc một đơn vị không có chủ trương gian lận thì cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu (CHXD) sẽ không dám làm gì. Khi cửa hàng trưởng không có chủ trương đó thì nhân viên cấp dưới không có cách gì gian lận được.
Vì vậy, bên cạnh các giải pháp kiểm soát chất lượng xăng dầu thì tuyên truyền, nâng cao đạo đức kinh doanh, thượng tôn pháp luật cũng rất quan trọng và đây là cách mà chúng tôi đang làm.
Tôi có thể khẳng định, PVOIL luôn kinh doanh bằng “cái tâm”!
PV: Ở miền Tây Nam Bộ vừa qua nổi lên vấn đề nhức nhối là nạn buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng, PVOIL đối diện với vấn đề này như nào? Và làm thế nào để CHXD của PVOIL có thể cạnh tranh với hàng loạt các CHXD của doanh nghiệp khác nằm san sát nhau?
Ông Cao Hoài Dương: Miền Tây Nam Bộ có đặc thù là đường bờ biển dài, hệ thống sông ngòi chằng chịt với lượng tàu bè rất lớn..., đã tạo rất nhiều cơ hội cho kẻ xấu nhập hàng trôi nổi để tiêu thụ. Hiện nay, đây là khu vực cạnh tranh nóng bỏng nhất. Nếu cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng, số lượng thì chúng tôi không ngại, PVOIL hoàn toàn có khả năng. Nhưng thực tế có nhiều cách cạnh tranh không lành mạnh đã xảy ra.
Nói nghe có vẻ duy cảm, nhưng tôi tin những gì tốt đẹp thì tồn tại, cái xấu có thể tồn tại một thời gian nhưng rồi sẽ bị phát hiện và bị đào thải. Cụ thể là sau vụ Trịnh Sướng được đưa ra ánh sáng, dần dần nhận thức người dân sẽ thay đổi.
Để tăng cường tính cạnh tranh, chúng tôi xây dựng Đề án 808 và 1114 gồm cả phần cứng và phần mềm, đó là nhận diện thương hiệu và phong cách phục vụ.
Hiện PVOIL đã có gần 600 CHXD và ngày càng mở rộng. Bên cạnh đó, PVOIL cố gắng tạo ra sự khác biệt cho CHXD của PVOIL trực tiếp quản lý vận hành qua nhận diện thương hiệu rõ ràng, nhân viên mặc đồng phục, quy trình phục vụ chuyên nghiệp... |
Thông thường, người tiêu dùng đến với cây xăng dầu hầu hết là bằng niềm tin, bởi người tiêu dùng không thể tự kiểm tra chất lượng được, mà phải đến phòng thí nghiệm rất hiện đại mới có kết quả. Vì vậy, chúng tôi chú trọng nâng cao nhận diện thương hiệu, ở các CHXD của PVOIL quản lý được làm mới khang trang, sạch sẽ hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn. Có nghĩa là hình thức và nội dung phải đi đôi với nhau.
Điều đó cũng như “mưa dầm thấm lâu” vậy, dần dần mọi người tin tưởng và đến với PVOIL. Điều này đã được chứng minh bằng thực tế, khi chúng tôi triển khai đề án 1114 nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ tại cây xăng dầu thì kết quả cho thấy rằng sau 3 năm kiên trì vừa qua, sản lượng bán hàng tại các cây xăng đã tăng dần.
Đó là cách PVOIL cạnh tranh và tồn tại bằng chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Trạm kiểm định tại kho xăng dầu PVOIL Nhà Bè
PV: Được biết, các cửa hàng liên kết, nhượng quyền của PVOIL không phải chỉ lấy duy một nguồn xăng dầu từ PVOIL mà còn các các nguồn hàng khác. PVOIL có giải pháp quản lý chất lượng xăng dầu trong trường hợp này như thế nào?
Ông Cao Hoài Dương: Vấn đề kiểm soát, quản lý các đơn vị liên kết là một bài toán khó. Nếu các đại lý chỉ mua sản phẩm và treo biển hiệu của PVOIL thì phía PVOIL sẽ có thể kiểm soát và chịu trách nhiệm với chất lượng xăng dầu bán ra tại các đại lý xăng dầu đó.
Nhưng, thực tế rất khác so với quy định, các CHXD liên kết, nhượng quyền chỉ mua khoảng 70% xăng dầu của PVOIL, còn lại là mua của các đại lý khác.
Giữa PVOIL và các đại lý, CHXD liên kết, nhượng quyền chỉ có hợp đồng ràng buộc về kinh tế, PVOIL không phải cơ quan chức năng nên hình thức chế tài chỉ là cắt hợp đồng nếu phát hiện vi phạm hợp đồng, thật sự không thể có chế tài nào khắt khe, chặt chẽ, nghiêm khắc hơn.
Nhân viên PVOIL kiểm tra, niêm phong cột chì trước khi xuất hàng từ kho
Chúng tôi hiện có khoảng 3.000 đại lý và liên tục tiến hành rà soát, sàng lọc. PVOIL mong muốn số lượng đại lý sẽ ngày càng phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhất quyết chấm dứt hợp đồng với những đại lý, CHXD liên kết, nhượng quyền có phát hiện vi phạm hợp đồng, xảy ra sự cố về chất lượng, để không làm ảnh hưởng đến uy tín của PVOIL.
Bên cạnh đó, PVOIL có những chính sách ưu đãi, ưu tiên đối với những khách hàng đại lý làm ăn nghiêm túc, bài bản, chiến lược. PVOIL cố gắng gắn kết lâu dài với họ.
Dĩ nhiên, tất cả chỉ là duy tình thôi, còn về lý thì không rõ ràng và thật sự PVOIL không có lý gì để bắt buộc hay xử lý ai. Ở trường hợp này, chúng tôi mong muốn và kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm, có những chế tài thật sự nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp vi phạm về chất lượng, số lượng xăng dầu. Khi có sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan chức năng và từ cái tâm của người làm kinh doanh, tôi tin mọi thứ sẽ bảo đảm ở mức độ tốt nhất.
Song song với đó, PVOIL tập trung phát triển hệ thống CHXD mà PVOIL trực tiếp quản lý và vận hành. Hiện PVOIL đã có gần 600 CHXD và ngày càng mở rộng. Bên cạnh đó, PVOIL cố gắng tạo ra sự khác biệt cho CHXD của PVOIL trực tiếp quản lý vận hành qua nhận diện thương hiệu rõ ràng, nhân viên mặc đồng phục, quy trình phục vụ chuyên nghiệp... để khách hàng tự cảm nhận, so sánh và đi đến quyết định là sẽ chọn CHXD nào. Tôi tin rằng, với sự thông thái của mình, người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm của doanh nghiệp nào uy tín nhất.
Xăng dầu thật, lít thật
PV: Nếu có trường hợp giả nhãn hiệu thì PVOIL sẽ giải quyết thế nào, thưa ông?
Ông Cao Hoài Dương: PVOIL có những biện pháp bảo hộ chặt chẽ, yêu cầu các đơn vị kinh doanh tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu có CHXD nào đó không liên quan đến PVOIL nhưng tự dưng treo biển PVOIL thì chúng tôi đến nói chuyện, yêu cầu gỡ biển PVOIL hoặc mời cơ quan chức năng vào xử lý kèm với việc tuyên truyền cho mọi người biết đó không phải là CHXD của PVOIL. Hiện nay, trong khuôn khổ pháp luật, chúng tôi chỉ làm được đến thế.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc mua bán xăng dầu cần có hóa đơn chứng từ để góp phần ngăn chặn những hành vi làm ăn phi pháp, gian lận. Ông nghĩ sao?
Ông Cao Hoài Dưng: Đây có thể là một giải pháp giúp ngăn chặn chuyện làm ăn phi pháp nhưng tác dụng không phải hoàn toàn tốt nhất. Ví dụ, nếu đổ xăng ở cây xăng A, người ta đưa cho anh chị hóa đơn, nhưng nếu sau đó xe xảy ra sự cố hỏng hóc thì liệu với tờ hóa đơn ấy, anh chị có kiện được cây xăng đó hay không? Tôi nghĩ, chứng cứ này không giải quyết được gì, nó chưa đầy đủ về mặt pháp lý.
Cây xăng của PVOIL được làm mới khang trang, sạch sẽ và đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp
Còn về phía PVOIL, chúng tôi cứ lấy “cái tâm” kinh doanh làm đầu, luôn cam kết làm ăn nghiêm túc, tuân thủ các quy định của Nhà nước. Tôi tin nếu làm ăn đàng hoàng, đúng đắn thì sẽ luôn có cơ hội để phát triển.
PV: Những slogan của PVOIL như: “Xăng dầu thật, lít thật” hay “Đừng nói không, hãy cho giải pháp”, có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Ông Cao Hoài Dương: “Xăng dầu thật, lít thật”, đó là khẩu hiệu tuyên truyền của PVOIL sau những sự cố tiêu cực về chất lượng xăng dầu ở miền Tây thời gian qua. Qua khẩu hiệu đó, PVOIL muốn khẳng định rằng: “Xăng dầu thật” là PVOIL bán xăng dầu đúng chất lượng; “lít thật” tức là PVOIL bán đúng phương tiện đo lường theo quy định.
PVOIL tuyên truyền, nói đi đôi với làm và được chứng minh bằng thực tế, nên dần dần đã tạo niềm tin với người tiêu dùng. Cho đến bây giờ, PVOIL tự hào rằng chưa nhận bất kỳ một khiếu nại nào của khách hàng liên quan đến chất lượng, cũng như nói PVOIL bán thiếu cả.
Thực tế cho thấy, chúng ta có thể dễ dàng nói “không” với việc gì đó. Nhưng trong kinh doanh, trước những việc khó, nếu cứ nói “không” thì ta chẳng làm được gì hết. Cho nên, đừng nói “không” mà hãy tìm mọi cách để giải mã, khắc phục nó. Phong cách làm việc của PVOIL là như vậy, khi đối diện với khó khăn là phải tìm tòi, đào sâu suy nghĩ và vượt qua chứ không phải né tránh.
PV: Kế hoạch mở rộng phát triển của PVOIL như thế nào, thưa ông?
Ông Cao Hoài Dương: PVOIL vẫn là một doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn”, mới chỉ 11 năm, việc phát triển ở những thành phố lớn vô cùng khó khăn vì cơ hội không còn nhiều, đất đai chật hẹp, giá cao, thị trường đã bão hòa. Thay vào đó, PVOIL tập trung phát triển ở các tỉnh, khu dân cư mới, khu công nghiệp, những nơi rất tiềm năng và còn dư địa để phát triển.
PVOIL đang chiếm 26% tỷ trọng bán lẻ xăng dầu tại các CHXD và đang phấn đấu tăng lên đến 35%.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: petrovietnam.petrotimes.vn