Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ghi nhận những tín hiệu tích cực, tạo đà tốt cho những tháng còn lại của năm.
7 tháng đầu năm, tất cả các chỉ tiêu sản xuất của PVN đều hoàn thành vượt mức từ 4-16% kế hoạch. Ảnh: Uyển Như
Nộp ngân sách vượt 46%
Theo thông tin mới nhất từ PVN: Tháng 7/2018, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tiếp tục được triển khai theo kế hoạch đề ra với 1 phát hiện dầu khí mới tại giếng Mèo Trắng Đông-1X (lô 09-1, VSP). Tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 7 đạt 2,04 triệu tấn, vượt 15% kế hoạch. Sản xuất đạm tháng 7 đạt 142,2 nghìn tấn, vượt 6,1% kế hoạch. Sản xuất xăng dầu toàn PVN đạt 975.000 tấn, vượt 3% kế hoạch...
Trong tháng 7, ngoại trừ chỉ tiêu sản xuất điện không hoàn thành kế hoạch tháng (bằng 90,4% kế hoạch tháng), các chỉ tiêu sản xuất còn lại của PVN đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức từ 6-20% kế hoạch tháng 7 đề ra.
Tính chung 7 tháng đầu năm, đại diện PVN cho hay: PVN tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh thị trường dầu khí có nhiều biến động, kinh tế thế giới tiềm ẩn không ít rủi ro, trong khi đó, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời.
Dù vậy, tất cả các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức từ 4-16% kế hoạch. Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn (tổng doanh thu, nộp ngân sách nhà nước) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn 7 tháng đạt 332,2 nghìn tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước đạt 61,8 nghìn tỷ đồng, vượt 46% so với kế hoạch. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 17,8 nghìn tỷ đồng, vượt 32% so với kế hoạch, bằng 94% kế hoạch năm.
Điểm nhấn tái cấu trúc
Theo đánh giá của PVN, công tác tái cấu trúc bộ máy Công ty Mẹ- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai khẩn trương được xem là một trong những điểm khá nổi bật của PVN từ đầu năm đến nay. Cụ thể, mô hình quản trị của Công ty Mẹ - Tập đoàn đã được tinh gọn, giảm bớt trung gian. Tập đoàn đã hoàn thành bán cổ phần lần đầu 3 đơn vị và đã tổ chức thành công đại hội cổ đông lần đầu là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và chuyển đổi loại hình DN sang công ty cổ phần.
Đại diện PVN cho biết thêm: Theo bảng xếp hạng 1.000 DN nộp thuế Thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2017 do Tổng cục Thuế công bố, nhiều DN dầu khí tiếp tục được ghi nhận nằm trong nhóm những DN nộp thuế Thu nhập DN lớn nhất của nền kinh tế. Điển hình có thể kể đến như: Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS) đứng thứ 3; Công ty Mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đứng thứ 18; Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP) đứng thứ 27; BSR đứng thứ 33…
Ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu đề cập tới điểm nhấn của PVN từ đầu năm đến nay mà không nhắc tới việc "hồi sinh" Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ thuộc Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex). Sau hơn 3 năm “đắp chiếu”, nhà máy này đã được “bơm” gần 42 tỷ đồng để khởi động lại một số phân xưởng xợi từ ngày 20/4 vừa qua. Sau đó, ngay ngày 24/7, PVTex với Công ty CP An Phát Holdings (APH) và Công ty CP Xơ sợi Tổng hợp An Sơn đã ký kết hợp đồng hợp tác gia công sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.
Trước mắt, PVTex và APH sẽ hợp tác khởi động và vận hành các dây chuyền kéo sợi DTY của phân xưởng Filament với mục tiêu đến cuối quý IV/2018 sẽ vận hành toàn bộ các dây chuyền này. Đồng thời, các bên cũng đang tích cực đàm phán Hợp đồng hợp tác vận hành toàn bộ Nhà máy với mục tiêu sớm hoàn thành đàm phán và ký kết hợp đồng.
Đánh giá về sự kiện nêu trên, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Với tiềm năng thị trường xơ sợi polyester vô cùng rộng mở, việc hợp tác giữa PVTEX với Tập đoàn APH và các đơn vị thành viên sẽ có triển vọng, góp phần đưa sản phẩm xơ sợi của PVTEX lên tầm cao mới và khẳng định được vị thế của xơ sợi polyester Việt Nam.
Trong thời gian còn lại của năm 2018, PVN đặt mục tiêu tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị để đảm bảo hoàn thành vượt mức các mục tiêu kế hoạch đề ra; tiếp tục triển khai thực hiện thoái vốn tại các DN giai đoạn 2017-2020; vận hành an toàn, ổn định các nhà máy/công trình dầu khí; thu xếp đủ vốn, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm của Tập đoàn và các đơn vị, đặc biệt là tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc 5 dự án yếu kém theo đúng chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Liên quan tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tái cơ cấu của PVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đề nghị những tháng cuối năm, PVN đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu Tập đoàn. Ngoài ra, PVN cũng phải tập trung xử lý các dự án yếu kém cũng như tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm ngành dầu khí.
Nguồn tin: Baohaiquan.vn