Trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chủ động thích ứng và sẵn sàng vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để chinh phục những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp quan trọng này.
Ngành năng lượng: Nhiều thách thức với
Theo báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2017 của Bộ Công Thương, ngành năng lượng hiện đang đứng trước các thách thức lớn, đó là nhu cầu năng lượng, nhất là nhu cầu điện tăng nhanh. Theo đó, đến năm 2035, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng tăng gấp gần 2,5 lần so với năm 2015. Vào năm 2035, mức tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải được dự báo sẽ tăng nhanh nhất (5,7%/năm). Năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp có tốc độ tăng 5,0%/năm trong giai đoạn 2016-2035.
Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng, với tỷ lệ nhập ròng khoảng 5% tổng năng lượng cung cấp. Tỷ lệ nhập khẩu ròng năng lượng được dự báo sẽ ngày càng tăng.
Tài nguyên năng lượng sơ cấp truyền thống đang dần cạn kiệt. Thủy điện lớn và vừa sẽ được khai thác hầu hết khi từ gần 18GW hiện nay đạt công suất khoảng 21,6GW vào năm 2020. Than nội địa hiện nay đã không đủ cung cấp cho các nhà máy điện. Với quy hoạch khai thác than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, than còn có thể khai thác được trong vòng 70 năm, nhưng không đáp ứng được nhu cầu. Tài nguyên dầu mỏ, khí đốt sẽ giảm dần và cạn kiệt trong 60 năm tới. Yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ ngành năng lượng đang ngày càng cao để bảo đảm phát triển bền vững.
Ở Việt Nam hiện nay, dầu và khí chiếm khoảng 41% tỷ phần năng lượng cơ bản. Tuy nhiên, bản thân phân ngành Dầu khí cũng có những thách thức đặc thù như: Chất lượng và quy mô nguồn lực chưa đủ tạo bứt phá và sức cạnh tranh trong hội nhập, năng suất lao động và sức cạnh tranh đặc biệt về sức sáng tạo và năng lực trí tuệ còn thấp; hệ thống quản trị vẫn theo mô hình quản lý doanh nghiệp Nhà nước, chưa theo chuẩn quốc tế liên kết từ công ty mẹ đến các công ty thành viên trong Tập đoàn; việc áp dụng các thành tựu và công nghệ nhằm giảm giá thành tấn trữ lượng thăm dò và tấn dầu khai thác, tấn sản phẩm chế biến, mở rộng thăm dò, khai thác ra vùng biển nước sâu, cải thiện hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên dầu khí, đặc biệt đối với khí có hàm lượng CO2 cao chưa được sâu rộng và hạn chế; công nghiệp phụ trợ, chế tạo và sản xuất những sản phẩm từ dầu khí có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường, bảo đảm giá trị chuỗi từ sản xuất đến phân phối chưa phát triển; hệ thống nghiên cứu ứng dụng chậm đổi mới, thời gian biến từ ý tưởng công nghệ sang nghiên cứu phát triển và sản xuất ứng dụng còn khá dài.
Sẵn sàng với cuộc chơi lớn
Đưa ra đánh giá và nhận định về CMCN 4.0 đối với ngành dầu khí, ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc PVN cho biết, PVN và các doanh nghiệp thành viên đều nhận thức đầy đủ về những thách thức và cơ hội, đồng thời có tâm thế sẵn sàng và đang từng bước chuẩn bị kỹ lưỡng để thích ứng nhanh với cuộc CMCN 4.0.
Là doanh nghiệp tiên phong trong hội nhập quốc tế, PVN có nền tảng khoa học công nghệ đồng bộ, hiện đại, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới của công nghiệp dầu khí thế giới, vì vậy, hiểu biết về công nghiệp 4.0 tất nhiên phải kịp thời và toàn diện. Với yếu tố cốt lõi là sự hội tụ của mô hình sản xuất thông minh cùng với sự phát triển đột phá trong công nghệ số: Vạn vật kết nối (Internet of Things-IoT), robot, in 3D, dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp 4.0 liên quan trực tiếp và mật thiết đến mọi hoạt động của công nghiệp dầu khí từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn.
Hiện PVN đã có định hướng triển khai ứng dụng công nghiệp 4.0 cho thời gian tới, đồng thời đang tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện, trong đó có việc xây dựng đề cương, xây dựng cơ sở dữ liệu của toàn Tập đoàn phù hợp với quy hoạch ngành và quy hoạch từng lĩnh vực hoạt động của ngành trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn…, để tạo nền tảng thực hiện cuộc CMCN 4.0 về công nghệ cũng như hệ thống quản trị doanh nghiệp.
Đặc biệt quan trọng, PVN đã quan tâm đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy và kỹ năng số để có thể tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tích cực nhập cuộc CMCN 4.0 không phải chỉ là chuyện lý thuyết mà thực sự đã đi vào cuộc sống bằng những hoạt động sinh động, thiết thực ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên.
Các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chuẩn bị các nguồn lực về con người, tài chính để lập kế hoạch ứng dụng những công nghệ 4.0 phù hợp với thực tiễn hoạt động, tiêu biểu như Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, Viện Dầu khí Việt Nam… Những doanh nghiệp này đều có mức độ thích ứng, nhu cầu và kế hoạch thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khác nhau để đổi mới phương thức sản xuất, phát triển kinh doanh và dịch vụ trong quy hoạch, chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Có thể khẳng định, trên nền tảng công nghệ hiện có, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đủ năng lực để chinh phục những thành tựu của CMCN 4.0. Bằng sự nỗ lực và những bước đi cụ thể và quyết liệt, công nghiệp 4.0 hứa hẹn sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình phát triển bền vững của ngành Dầu khí Việt Nam.
Nguồn tin: kinhtenongthon.vn