Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

PVN ‘ném’ hơn nửa tỉ USD vào mỏ dầu thô Junin 2, Venezuela thế nào?

 Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) đã đầu tư hơn 528 triệu USD vào dự án khai thác mỏ dầu thô Junin 2, nhưng việc dừng đầu tư vào năm 2013 khiến PVN có nguy cơ mất trắng số tiền đã 'ném' vào dự án.

Hơn 10 năm trước, với kỳ vọng khai thác hàng chục tỉ thùng dầu thô mỏ Junin 2 (Venezuela), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã đề xuất Chính phủ cho góp hơn nửa tỉ USD vào liên doanh khai thác dầu khí hai nước - Công ty liên doanh PetroMacareo.

Theo đề xuất của PVN, tháng 10-2010, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 38 cho Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí - PVEP (PVN) thực hiện thăm dò, khai thác dầu thô tại mỏ Junin 2, Venezuela.

Hình thức đầu tư - thành lập Công ty liên doanh PetroMacareo để khai thác dầu thô mỏ Junin2, các bên tham gia liên doanh gồm PVEP/PVN góp 40% vốn, Tổng công ty Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) góp 60% vốn.

Trữ lượng khai thác dầu thô tại chỗ mỏ Junin 2 khi đó được xác định khoảng 34,45 tỉ thùng, tổng vốn đầu tư dự án lên tới 12,34 tỉ USD, tương đương 211,37 ngàn tỉ đồng.

Riêng giai đoạn 1 của dự án, vốn đầu tư khoảng 8,3 tỉ USD.

Để thực hiện 'siêu dự án' khai thác dầu khí này, từ năm 2011 - 2013, PVEP cam kết góp vốn đầu tư dự án khoảng 1,8 tỉ USD.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, đến nay PVEP đã góp vào Công ty liên doanh PetroMacareo hơn 528 triệu USD, trong đó góp 76 triệu USD vào Công ty liên doanh PetroMacareo, thanh toán phí tham gia hợp đồng (phí bonus) cho phía Venezuela 442 triệu USD.

Số vốn góp này được huy động từ nguồn vốn kinh doanh của PVEP và vốn vay từ Standard Charterd Bank.

Nhưng đến tháng 12-2013, Thủ tướng đã quyết định PVEP/PVN dừng đầu tư khai thác dầu thô tại dự án Junin 2.

Số tiền hơn 528 triệu USD mà PVEP/PVN đã đầu tư vào mỏ dầu thô Junin 2 Venezuela có nguy cơ mất trắng, hiện Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đang làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Trước đó, tháng 12-2008, căn cứ văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, giai đoạn 1 của Thủ tướng, hội đồng quản trị PVN đã quyết định phê duyệt báo cáo đầu tư dự án phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2, Venezuela.

Đồng thời PVN cũng đề xuất Bộ Kế hoạch - đầu tư cấp phép thực hiện dự án.

Để cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho PVN, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thẩm quyền xem xét, quyết định đầu tư dự án.

Tháng 3-2009, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản số 203 gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư nêu rõ trường hợp dự án sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư.

Tháng 5-2009, Chính phủ có báo cáo số 83 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ trong tổng chi phí vốn PVN đầu tư vào dự án là 1,825 tỉ USD, có 547 triệu USD (chiếm 29,9%) vốn nhà nước, phần còn lại PVN đi vay.

Mặt khác, số vốn góp 1,825 tỉ USD của PVN so với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 8,8 tỉ USD, chỉ chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư.

Theo tính toán của Chính phủ, thời điểm đó cả 2 phương án vốn góp của PVEP/PVN vào dự án thấp hơn 30% tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn 1. Vì vậy, dự án khai thác dầu thô Junin 2, Venezuela không thuộc diện phải báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nguồn tin: Tuổi trẻ

ĐỌC THÊM