Khai thác dầu khí đang “ăn” vào tương lai khi trữ lượng tìm kiếm thăm dò quá thấp so với sản lượng dầu khí khai thác hàng năm.
Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn tại buổi toạ đàm. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Đây là cảnh báo của Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Vũ Trường Sơn tại Toạ đàm “ngành dầu khí Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển và hội nhập” do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với PVN tổ chức sáng 10/9.
Theo ông Sơn, năm 2017, sản lượng khai thác quy dầu của PVN lên tới 25 triệu tấn nhưng tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng chỉ là 4 triệu tấn. Hoạt động tìm kiếm thăm dò trong 8 tháng năm 2018 cũng chỉ mới đạt 2 triệu tấn do PVN không có nguồn tài chính và cơ chế tài chính phù hợp để thực hiện hoạt động mang tính rủi ro cao này.
Nếu tình trạng mất cân đối giữa tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng và khai thác vẫn tiếp diễn như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, sản lượng khai thác dầu khí toàn ngành sẽ chỉ còn 1/3 sản lượng so với hiện nay, ông Sơn khẳng định.
Trong khi đó, cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng trước đây đã không còn phù hợp và chưa được sửa đổi nên hoạt động này đang bế tắc.
Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Toạ đàm ngày 10/9/2018. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Đồng tình với ý kiến của ông Sơn, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh đồng thời là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong 3 năm vừa qua, không có tập đoàn kinh tế nào của nhà nước có dự án mới triển khai cả. Than 10 năm nay không có dự án mới, điện không có và dầu khí cũng không có. Điều này có nghĩa trong nhiệm kỳ tới, Việt Nam sẽ không có dự án năng lượng nào mới và “chúng ta đang ăn vào những gì thế hệ trước đã làm”.
Theo ông Thanh, nếu tuân thủ các quy trình của Luật đầu tư công hiện nay thì một nhiệm kỳ nữa cũng không thể có đủ nguồn tiền cho hoạt động tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng dầu khí.
Thực tế là, các nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ ra 45 tỷ USD cho công tác tìm kiếm thăm dò nhưng chỉ mới mang về đất nước họ 21 tỷ USD.
Vì vậy, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động tìm kiếm thăm dò đầy rủi ro này, trước mắt Quốc hội cần sớm sửa đổi Luật Dầu khí để đảm bảo cơ chế tài chính cho PVN hoạt động; trong đó có cơ chế để lại 50% lợi nhuận sau thuế để PVN có đủ nguồn tài chính hoạt động và tiếp tục đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này là rất cần thiết thông qua việc thay đổi hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) phù hợp với tiềm năng điều kiện hiện nay của Việt Nam. Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn kiến nghị.
Bổ sung các đề xuất để tháo gỡ khó khăn hiện nay của PVN trong hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San kiến nghị điều chỉnh Luật Dầu khí 2008 và các văn bản pháp quy dưới Luật phù hợp với hiện trạng kinh tế dầu khí thế giới, tiềm năng dầu khí trong nước để kích thích đầu tư nước ngoài tận khai thác các mỏ đang suy giảm, nâng cao hệ số thu hồi dầu, đầu tư phát triển các mỏ cận biên kinh tế, các vùng khó khăn nước sâu, xa bờ.
Trong khi chờ sửa bổ sung Luật Dầu khí, Chính phủ/Bộ Công Thương cần sớm ban hành “Quy định tạm thời” mang tính pháp quy bổ sung quy định về phân cấp và xét duyệt trữ lượng nhằm rút ngắn lộ trình xét duyệt và đưa các mỏ dầu/khí vào khai thác sớm. Bên cạnh đó, đơn giản hóa quy trình và các thủ tục xét duyệt, có cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước phát triển các mỏ nhỏ, cận biên, đầu tư khoa học công nghệ tăng hệ số thu hồi dầu.
Về phía Bộ Công Thương, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí Bộ Công Thương Trần Thanh Tùng đề xuất Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Uỷ ban Ngân sách Quốc hội có cơ chế tài chính hỗ trợ đặc thù cho hoạt động tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng dầu khí, đặc biệt là hoạt động tìm kiếm thăm dò tại các vùng xa bờ, vùng nước sâu để giúp doanh nghiệp dầu khí trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư vào triển khai hoạt động này.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Ngân sách Quốc hội Nguyễn Hữu Quang khẳng định hoạt động thăm dò khai thác dầu khí không chỉ góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền trên biển Đông của Việt Nam.
Đồng tình với kiến nghị của PVN, ông Quang cũng cho rằng, hoạt động tìm kiếm thăm dò là cực kỳ rủi ro nên nếu không có cơ chế phù hợp về tài chính thì PVN sẽ không thể triển khai được hoạt động này và vấn đề này nếu không giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.
Ông Quang cũng cho biết tới đây cơ chế tài chính cho hoạt động tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng dầu khí sẽ có sự thay đổi theo hướng Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm thực hiện lĩnh vực rủi ro này, trong trường hợp cần huy động nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ cân nhắc theo từng khu vực riêng.
Phát biểu kết luận toạ đàm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định, nếu đã coi đây là ngành công nghiệp dầu khí quan trọng của nền kinh tế thì chắc chắn phải có chính sách phù hợp để phát triển toàn bộ chuỗi hoạt động dầu khí từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn. Nhưng vấn đề pháp lý đặt ra với PVN đến thời điểm này đã có sự thay đổi về chủ sở hữu, về bối cảnh phát triển khi giá dầu có sự sụt giảm mạnh, hoạt động tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng sụt giảm, khai thác dầu khí gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, sau buổi tọa đàm này, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và Uỷ ban Ngân sách Quốc hội sẽ xin Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung sửa đổi Luật Dầu khí vào chương trình xây dựng Luật và pháp lệnh của Quốc hội giai đoạn 2019-2020 của nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 này./.
Nguồn tin: bnews.vn