Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

PVN – GAS: Ký thỏa thuận về cung cấp khí từ mỏ TUNA

PVN và Premier Oil Tuna B.V (POT, Indonesia) đã ký MOU về việc cung cấp khí từ cụm mỏ Tuna, Indonesia cho thị trường Việt Nam. Hiện, toàn bộ quyền lợi và trách nhiệm của PVN với tư cách là Bên Mua của MOU sẽ được chuyển sang cho PV GAS. 

Theo tin từ Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS, mã GAS), được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đàm phán với đối tác Indonesia trong lĩnh vực khí, ngày 10/11/2017, tại Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Premier Oil Tuna B.V (POT, Indonesia) đã ký kết Biên bản Ghi nhớ (MOU) về việc cung cấp khí từ cụm mỏ Tuna, Indonesia cho thị trường Việt Nam.
Trên cơ sở MOU đã ký này, ngày 21/11/2018, tại trụ sở của POT (Indonesia), PVN, GAS và POT phối hợp tổ chức ký kết Thỏa thuận chuyển nhượng Biên bản Ghi nhớ nêu trên.

Theo đó, kể từ ngày ký Thỏa thuận chuyển nhượng này, toàn bộ quyền lợi và trách nhiệm của PVN với tư cách là Bên Mua của MOU sẽ được chuyển sang cho GAS. POT tiếp tục giữ vai trò là công ty nhận được sự uỷ quyền của các Chủ mỏ khí TUNA để ký kết và thực hiện các nội dung hợp tác thỏa thuận với PVN và GAS.

GAS và POT sẽ bắt đầu đàm phán Thỏa thuận khung mua bán khí (HOA GSA) ngay trong tháng 01/2019 với mục tiêu hoàn thành đàm phán và ký kết HOA GSA trong Quý III/2020 và dòng khí Tuna đầu tiên sẽ về Việt Nam vào Quý III/2024 và khối lượng khí tối thiểu đạt 3,3 triệu m3 khí /ngày.

Cụm mỏ khí Tuna nằm trên vùng biển có độ sâu khoảng 110 m nước thuộc Indonesia giáp ranh với Việt Nam về phía Tây Nam mỏ Lan Tây, gồm mỏ Kuda Laut và Singa Laut có trữ lượng thu hồi dự kiến trên 10 tỷ m3 khí.

Việc đàm phán thành công Hợp đồng mua bán khí từ mỏ Tuna sẽ giúp GAS bổ sung thêm hơn 10 tỷ m3 khí vào nguồn cung khí đang suy giảm để cấp cho các hộ tiêu thụ khí tại khu vực Đông Nam Bộ kể từ năm 2024 và tạo tiền đề cho việc nhập khẩu khí bằng đường ống về Việt Nam từ các khu vực lân cận và kết nối với các nguồn khí khác trong tương lai.

Nguồn tin: bizlive.vn

ĐỌC THÊM