Do lượng tồn kho tại 2 nhà máy lọc dầu trong nước đang tới 90%, PVN đề nghị dừng nhập khẩu xăng dầu.
Ảnh minh họa
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Tài chính đề xuất loạt giải pháp "cứu" sản xuất xăng, dầu trong nước. Theo đó, tập đoàn này đề nghị các bộ có cơ chế hạn chế tối đa, dừng nhập khẩu sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn hiện nay khi Covid-19 bùng phát, thị trường tiêu thụ nội địa khó khăn.
PVN cũng đề nghị xem xét bỏ các sản phẩm chế biến từ dầu thô ra khỏi nhóm hàng chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu, giúp doanh nghiệp "đẩy" hàng qua kênh xuất khẩu.
Trước đề xuất này, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nhiều nước sản xuất dầu mỏ trên thế giới có chi phí sản xuất rất rẻ nên khi doanh nghiệp nhập khẩu từ các nguồn này sẽ có lợi thế nhất định về giá. Cơ quan này đang cân nhắc, xem xét đề nghị của PVN, nhưng "mọi biện pháp đưa ra lúc này phải tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo cơ chế thị trường và hài hoà lợi ích doanh nghiệp, nhà sản xuất".
Kiến nghị của PVN đưa ra trong bối cảnh tiêu thụ xăng dầu trong nước sụt giảm mạnh, khoảng 30%, trong khi lượng hàng tồn kho tại 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn có lúc tới 90%. Các nhà máy lọc dầu đang chịu áp lực đầu vào giảm giá hàng tồn kho, đầu ra khi khách hàng huỷ, giãn nhận hàng do nhu cầu sụt giảm.
Đại diện Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, ảnh hưởng của Covid-19, cộng với giá dầu thô giảm mạnh khiến doanh nghiệp này chịu tổn thất "kép" khi tiêu thụ giảm sút, phải giảm giá hàng nghìn tỷ đồng hàng tồn kho. Bên cạnh đó, một số khách hàng lớn của BSR như Skypec thông báo dừng nhận xăng Jet A1 đến hết tháng 4 do các chuyến bay trong nước, quốc tế giảm.
"Lượng tiêu thụ giảm mạnh trong quý I khiến doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận âm sau nhiều năm", đại diện BSR cho biết.
Sản xuất xăng dầu trong nước đang ứ đọng song các đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu vẫn liên tục nhập hàng về Việt Nam. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, đến nửa đầu tháng 3, lượng xăng dầu nhập khẩu hơn 1,63 triệu tấn, chiếm 35% lượng cung nội địa. Trong khi đó, tổng lượng xăng dầu sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu trong quý I khoảng 3 triệu tấn. Như vậy, lượng cung nội địa vượt nhu cầu khoảng 35%, ứng với lượng nhập khẩu của các đơn vị đầu mối.
"Để duy trì dòng tiền hoạt động, chúng tôi mong sớm được giãn thời gian nộp thuế và được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi để bổ sung nguồn vốn lưu động đang bị thiếu hụt", đại diện BSR đề nghị.
Nguồn tin: vnexpress.vn