Theo báo cáo từ Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Trong nước (PVEP-POC), đơn vị thành viên của TCty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Tính đến 18h00 ngày 29/11, mỏ Đại Hùng do Công ty PVEP-POC điều hành đã hoàn thành chỉ tiêu khai thác 500 nghìn tấn dầu theo kế hoạch được giao và dự kiến cả năm 2016 sẽ đạt mức sản lượng 530 nghìn tấn, tương đương 106% kế hoạch.
Người lao động PVEP trên giàn khai thác Đại Hùng.
Trước đó, vào ngày 25/11, mỏ Sông Đốc do PVEP-POC điều hành cũng đã hoàn thành chỉ tiêu sản lượng khai thác năm 2016. Dự kiến sản lượng khai thác đến hết tháng 12 sẽ đạt 99,6 nghìn tấn, tương đương 109,6 % so với kế hoạch năm. Ở dự án thu gom khí Đại Hùng, vào lúc 17h00 ngày 27/11, lượng khí xuất bán về bờ đã cán mốc 143 triệu m3 khí, bằng mức chỉ tiêu sản lượng được giao năm 2016.
Mỏ Đại Hùng - Lô 05/1(a) và mỏ Sông Đốc - Lô 46/13 được biết đến là các mỏ dầu khí đặc biệt của PVEP và PVEP-POC với điều kiện địa chất phức tạp, là mỏ cận biên, xa bờ. Đây cũng là 02 mỏ hiện hoàn toàn do đội ngũ nhân sự là người Việt Nam vận hành, quản lý, sau nhiều giai đoạn trước đây có sự tham gia của nhà thầu dầu khí nước ngoài nhưng buộc phải rút lui do hoạt động không hiệu quả.
Cụm khai thác mỏ Đại Hùng.
Đứng trước những thách thức to lớn do tình trạng giá dầu giảm sâu, kéo dài khiến cho ngay cả những mỏ dầu khí có trữ lượng, sản lượng lớn hơn, điều kiện thuận lợi hơn cũng có nguy cơ thua lỗ, tập thể người lao động PVEP-POC nói riêng và TCty PVEP nói chung đã nêu cao tinh thần lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với sự cần mẫn, nỗ lực không mệt mỏi, đề ra các giải pháp quyết liệt, tích cực để vận hành các dự án an toàn tuyệt đối. Phát huy nội lực, làm chủ khoa học công nghệ, đã có nhiều sáng kiến, giải pháp như “Nâng cao hệ số an toàn sản xuất bằng việc trang bị cụm máy bơm điện chìm mới duy trì nước cứu hỏa khi nâng giàn DH-01”, “Sử dụng năng lượng giếng DH-2 để vận chuyển khí về giàn nén Trung tâm mỏ Bạch Hổ”, “Nâng cao chất lượng bơm trám xi măng qua tầng đá vôi tại Mỏ Đại Hùng”, “Xử lý chất lắng đọng trong ống khai thác giếng SD-2PL và các giếng mỏ Sông Đốc bằng acid HCL nồng độ 15%”... giúp làm lợi hàng chục triệu USD và gỡ khó cho nhiều vấn đề về kinh tế - kỹ thuật của các dự án.
Đặc biệt, sự tận tụy, tinh thần dám nghĩ, dám làm của các cán bộ lãnh đạo và các chuyên gia, kỹ sư PVEP, PVEP-POC còn được minh chứng ở việc đề xuất cơ chế điều hành phi lợi nhuận với mỏ Sông Đốc và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó giúp tránh khỏi việc phải hủy mỏ sớm, vừa giúp tận thu được tài nguyên và mang lại nguồn lợi kinh tế cho Nhà nước, vừa đảm bảo được công ăn việc làm cho các cán bộ nhân viên, kỹ sư của PVEP.
Sự hy sinh, cố gắng của người lao động tại mỏ Đại Hùng và mỏ Sông Đốc khi mặc dù là dự án xa bờ, nhưng lại là các dự án đầu tiên thực hiện việc chuyển ca bằng tàu dịch vụ thay vì trực thăng. Gác lại thông lệ dầu khí quốc tế đối với người lao động ngoài biển, giờ đây, những kỹ sư, chuyên gia PVEP không chỉ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức trong chuyên môn, mà còn phải đối mặt với sóng biển và những gian khổ, hiểm nguy trên mỗi hải trình di chuyển ra giàn, về bờ.
Sự kiện về đích trước 31 ngày kế hoạch sản lượng khai thác dầu khí ở các dự án có nhiều thách thức như Đại Hùng, Sông Đốc sẽ tạo tiền đề thuận lợi để PVEP-POC nói riêng và TCty PVEP nói chung nỗ lực đạt những thành tích xuất sắc hơn trong năm 2017 với dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của ngành dầu khí.
Nguồn tin: Baoxaydung