Năm 2016 - một năm vật lộn với khó khăn của các công ty thăm dò khai thác dầu khí trên thế giới và trong nước. Trong đó, Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) - đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) có thời điểm vô cùng khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, dòng tiền không ổn định, nhiều dự án phải dừng, dãn tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Song bằng nhiều nỗ lực và được Chính phủ tạo cơ chế, PVEP đã cán đích thành công, vượt qua năm 2016 đầy sóng gió.
Những quyết định đột phá
Ngay từ đầu năm, đánh giá trước tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh (KHSXKD) được Tập đoàn giao khá thách thức với giá dầu kế hoạch 60 USD/thùng, PVEP đã chủ động điều chỉnh kế hoạch triển khai cụ thể với những giải pháp về dừng, giãn đầu tư để đảm bảo an toàn, thận trọng về tài chính. Cụ thể, tại thời điểm tháng 3.2016, HĐTV PVEP đã có Nghị quyết phê duyệt KH SXKD năm 2016 tạm thời ở phương án giá dầu 30 USD/thùng, đến tháng 8.2016, PVEP cập nhật và thực hiện điều chỉnh kế hoạch theo phương án giá dầu 40 USD/thùng để phù hợp với điều kiện giá dầu thực tế triển khai.
Giá dầu thấp kéo dài buộc PVEP phải cắt giảm đầu tư tại các dự án, ảnh hưởng phần nào đến việc duy trì và gia tăng sản lượng khai thác, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn, PVEP đã thường xuyên tổ chức làm việc, trao đổi với các nhà điều hành khai thác dầu khí, các hoạt động phát triển, công tác quản lý mỏ đã được vận dụng những giải pháp tối ưu, đảm bảo an toàn tuyệt đối, giúp gia tăng sản lượng khai thác dầu khí trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ chi phí, phù hợp với khả năng tài chính của PVEP.
Kết quả phần lớn các mỏ trong nước do PVEP triển khai đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng, nhờ vậy, đã hoàn thành kế hoạch khai thác dầu khí được giao trong năm 2016, vượt trước tiến độ 30 ngày. Tổng sản lượng khai thác quy dầu toàn TCty thực hiện đạt 5,55 triệu tấn, vượt 8% kế hoạch tập đoàn giao và 4% kế hoạch Chính phủ giao bổ sung. Trong đó, khai thác dầu đạt 4,23 triệu tấn, đạt 106% kế hoạch với sản lượng khai thác dầu trung bình cả năm là 87.337 thùng/ngày (KH là 82.237 thùng/ngày); khai thác khí đạt 1.317 triệu m3, đạt 115% kế hoạch năm.
Đặc biệt, trong điều kiện hết sức khó khăn, PVEP vẫn dành kinh phí đầu tư cho công tác phát triển mỏ với việc quyết tâm đưa 02 mỏ vào khai thác đúng tiến độ là dự án Sư tử Trắng (STT) giai đoạn 1 và dự án thu gom khí Đại Hùng - Thiên Ưng. Trong đó, dự án Sư tử Trắng đã tiết kiệm được 70 triệu USD so với ngân sách được phê duyệt.
Việc đưa các mỏ trên vào khai thác đúng tiến độ trong năm nay có công sức lớn của Tổng giám đốc PVEP Ngô Hữu Hải. Không chỉ quyết liệt trong điều hành, TGĐ Ngô Hữu Hải là người chèo lái “con tàu” PVEP vượt qua bao sóng gió để về đích. Năm 2016, cũng ghi dấu ấn đột phá của PVEP với sự kiện lần đầu tiên mỏ Sông Đốc, sau nhiều năm khai thác đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng Quy định về cơ chế đặc thù điều hành phi lợi nhuận, thay vì đóng mỏ. Sáng kiến này của PVEP đã đặt tiền đề cho ngành dầu khí tạo hành lang pháp lý, khả thi trong vận hành các mỏ nhỏ khai thác tận thu sắp tới của Việt Nam.
Tối ưu hóa chi phí, cùng người lao động chia sẻ khó khăn
Để vượt qua khó khăn trong giai đoạn giá dầu giảm sâu, và tình hình tài chính không thuận lợi, PVEP đã quyết liệt áp dụng nhiều biện pháp nhằm tiết giảm chi phí. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng bộ tập đoàn về phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ trong ngành, PVEP đã chỉ đạo người đại diện tại các JOC tạo điều kiện tối đa, ưu tiên các đơn vị trong ngành tham gia cung cấp dịch vụ trên cơ sở đảm bảo chất lượng và tối ưu chi phí. Trong năm 2016, tổng giá trị dịch vụ trao cho các đơn vị trong ngành đạt 94,03 triệu USD, chiếm 62% tổng giá trị dịch vụ.
Bên cạnh đó, PVEP cũng quán triệt chủ trương của Chính phủ và tập đoàn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong điều hành, sản xuất, năm 2016, PVEP đã kịp thời định hướng các đơn vị thành viên rà soát danh mục đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên làm cơ sở rà soát chi tiết từng hạng mục công việc và chi phí, đề xuất giãn tiến độ đầu tư, cắt giảm chi phí nghiên cứu, nhân sự, chi phí vận hành dự án. Kết quả đạt được rất khả quan với tổng tổng mức đầu tư của PVEP năm 2016 dự kiến thực hiện là 243,75 triệu USD, giảm 181 triệu USD (tương đương 43% so với kế hoạch được duyệt); chi phí vận hành khai thác là 523,43 triệu USD, giảm 80,85 triệu USD (tương đương 13% kế hoạch).
TGĐ PVEP Ngô Hữu Hải cho biết, trong khó khăn, đơn vị thăm dò khai thác - được ví như “đầu kéo” của cả một đoàn tàu chạy chậm lại, thì từng toa tàu phải chia sẻ khó khăn để cả đoàn tàu cùng chuyển động. Theo đó, PVEP đã kiên trì đàm phán với các nhà thầu để giảm giá dịch vụ. Tổng giá trị giảm giá từ 1.1.2015 đến 12.2016 đã tiết kiệm được 232 triệu USD, trong đó, riêng năm 2016 đã đàm phán giảm giá là 57 triệu USD.
Trong khó khăn, lãnh đạo PVEP đã tổ chức các hội nghị đối thoại với người lao động, cùng nắm bắt tâm tư nguyện vọng và để người lao động thêm gắn bó, chia sẻ với doanh nghiệp. Đặc biệt, TCty còn phát động phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, sáng chế, tiết kiệm/tối ưu chi phí vào điều hành, tổ chức sản xuất. Trong năm, TCty đã xét duyệt và công nhận 12 sáng kiến cấp TCty và 8 giải pháp với số tiền làm lợi là 71,5 triệu USD. Hoàn thành việc xây dựng thang bảng lương theo quy định hiện hành, đảm bảo chi trả thù lao đúng người, đúng đối tượng, đồng thời điều chỉnh lương và chế độ chính sách áp dụng tại các JOC và các dự án dầu khí nước ngoài phù hợp với điều kiện giá dầu giảm sâu. Theo đó, điều chỉnh giảm các chi phí nhân sự tại các JOCs tiết giảm từ được 15 - 20% chi phí dự án.
Nguồn tin: Laodong