PV Oil hiện có 28 công ty con, 12 công ty liên kết, liên doanh. Mảng phân phối xăng dầu thường chiếm khoảng 80%-90% tổng lợi nhuận gộp của "đại gia" này.
Phân phối xăng dầu chiếm 80-90% doanh thu, lợi nhuận
Lĩnh vực phân phối xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu của PV Oil, với khoảng 78% trong các năm 2014-2016. Các lĩnh vực khác tổng cộng chỉ chiếm 22%. Vì vậy, tăng trưởng doanh thu hợp nhất của của PV Oil phụ thuộc vào tình hình hoạt động mảng phân phối xăng dầu.
Phân phối xăng dầu chiếm 80-90% doanh thu, lợi nhuận của PV Oil
Tuy nhiên, năm 2014, PV Oil vẫn đạt doanh thu cao nhờ giá dầu tiếp tục ở mức cao, giá dầu Brent trung bình đạt 98USD/thùng. Sau đó giảm mạnh xuống 54USD/thùng năm 2015 và 45USD/thùng năm 2016, khiến doanh thu giảm theo.
Nguồn: VCSC
Mảng phân phối xăng dầu thường chiếm khoảng 80%-90% tổng lợi nhuận gộp của PV Oil. Năm 2015 và 2016 dịch vụ ủy thác xuất khẩu dầu thô đã giúp lợi nhuận gộp đạt từ 2.500 – 3.000 tỷ đồng/năm.
Nguồn: VCSC
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định các thay đổi về chính sách đã ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực phân phối xăng dầu.
Năm 2014, khi Nghị định 84/2009/NĐ-CP vẫn còn hiệu lực, tất cả các nhà phân phối lớn, trong đó có PV Oil, bị sụt giảm lợi nhuận do chi phí định mức 860VND/lít không đủ để bù đắp tất cả chi phí, do tác động trễ giữa 30 ngày tồn kho, 30 ngày tính giá cơ sở và 10 ngày giá bán điều chỉnh ảnh hưởng tiêu cực đến PV Oil từ khi giá dầu giảm mạnh vào giữa năm 2014.
Khi Nghị định 83/2014/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực, chi phí định mức tăng từ 860 lên 1.050 VNĐ/lít đối với xăng và 950 VNĐ/lít đối với dầu diesel. Do đó, PV Oil có thể chủ động tăng giá bán khi giá cơ sở tăng 3% thay 7% như trước đây; giá cơ sở được tính 15 ngày/lần, bằng với thời gian giữa hai đợt điều chỉnh giá bán lẻ. Điều này được phản ánh thông qua lợi nhuận gộp năm 2015 tăng mạnh.
Trước năm 2015, PV Oil chịu chi phí lãi vay lớn do giá dầu cao và công ty phải tích cực vay nợ ngắn hạn. Ngoài ra, PV Oil còn ghi nhận dự phòng cho ba công ty liên kết chuyên pha chế nhiên liệu sinh học với khoản lỗ 140 tỷ đồng/năm do ba nhà máy này ngừng hoạt động.
Kết quả từ năm 2015 trở đi cải thiện nhờ giá dầu giảm và lỗ từ các công ty liên kết giảm vì PV Oil đã hoàn tất dự phòng cho một công ty nhiên liệu sinh học liên kết. Do vậy, năm 2016 PV Oil chỉ lỗ 70 tỷ đồng từ hai công ty nhiên liệu sinh học liên kết còn lại.
Nguồn: VCSC
VCSC ước tính doanh thu 2018-2022 sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 12,2% nhờ sản lượng bán ra tăng 8,9%. Trong khi đó, giá dầu Brent đạt 55 USD/thùng năm 2017, có thể tăng lên 60USD/thùng năm 2018-2020 và chạm mức 65 USD/thùng năm 2021, 2022. Nhờ có thêm 150 trạm dầu/năm đã giúp sản lượng bán dầu của PV Oil tăng nhanh.
Đứng thứ 2 thị phần xăng dầu tại Việt Nam
Hiện tại, PV Oil nắm giữ 22% thị phần (sau Petrolimex với tỷ lệ 48%) tại Việt Nam với hệ thống phân phối rộng khắp trên toàn quốc với gần 540 COCO (cây xăng tự quản lý, vận hành) và 3.000 DODO (đại lý). Vốn điều lệ của PV Oil là 10,9 nghìn tỷ đồng tính đến hết năm 2016.
Nguồn: VCSC
PV Oil có 28 công ty con, 25 trong số này tham gia vào lĩnh vực phân phối xăng dầu. Ngoài ra, PV Oil có 12 công ty liên kết, liên doanh, trong đó có 5 công ty phân phối xăng dầu và 3 nhà máy nhiên liệu sinh học.
Nguồn: VCSC
Mảng xăng dầu bao gồm phân phối xăng dầu và pha chế, đóng góp lớn nhất cho PV Oil với 77,9% doanh thu và 65,7% lợi nhuận trước thuế. Mảng kinh doanh lớn thứ hai là dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu dầu thô với mức đóng góp khá khiêm tốn 0,5% doanh thu nhưng mức LNTT đáng kể là 22,7%. Các dịch vụ khác bao gồm mảng giao dịch dầu thô quốc tế dù chiếm đến 21,6% doanh thu nhưng đóng góp lợi nhuận không đáng kể.
Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) có kế hoạch chào bán 20% cổ phần (206,8 triệu cp) cho công chúng, 44,7% (462,5 triệu cp) cho nhà đầu tư chiến lược và bán ưu đãi cho người lao động 0,18% (1,8 triệu cp) với mức giá khởi điểm 13.400 đồng/cp. Sau đợt IPO, cơ cấu sở hữu Nhà nước sẽ giảm còn 35,1%. Do đó, nhà đầu tư chiến lược có thể chủ động quản lý và vận hành công ty.
Nguồn tin: vietnambiz.vn