Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Putin đang thử thách sự kiên nhẫn của OPEC

Cho đến nay, Nga vẫn có thể duy trì mối quan hệ với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số cường quốc dầu khí khác, chủ yếu ở phương Đông. Tuy nhiên, sau hơn một năm xung đột, Putin dường như đang dần làm rạn nứt mối quan hệ với Ả Rập Saudi và các thành viên OPEC khác. Trong năm ngoái, Nga đã phát triển quan hệ năng lượng với các cường quốc cởi mở với dầu và khí đốt giá rẻ, sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với lĩnh vực năng lượng của nước này. Nga đã thành công trong việc thu hút những thị trường khổng lồ như Ấn Độ và Trung Quốc, trở thành nhà xuất khẩu dầu thô chính của Trung Quốc vào đầu năm nay. Nhưng bây giờ Nga có thể đang gây tổn hại cho OPEC, chính tổ chức đã giúp hỗ trợ ngành dầu khí của Nga trong suốt những năm qua.

OPEC đã mở rộng để đưa Nga vào liên minh OPEC+ vào năm 2016, do Ả Rập Saudi dẫn đầu. Khi Nga thua lỗ trong việc bán dầu cho phương Tây, OPEC+ dường như ủng hộ Putin trong mục tiêu kiếm lợi từ giá dầu cao, đồng ý cắt giảm sản lượng giữa các quốc gia thành viên để hỗ trợ giá dầu cao. Tuy nhiên, tại cuộc họp của OPEC+ hồi đầu tháng này, có thông tin cho rằng các quan chức Saudi không hài lòng với hành vi của Nga. Tổ chức này đã đồng ý giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày tại một cuộc họp vào tháng 4, nhưng Nga vẫn tiếp tục cung cấp một lượng lớn dầu giá rẻ cho thị trường để hỗ trợ nền kinh tế đang chững lại của mình và hỗ trợ các nỗ lực của họ trong cuộc xung đột với Ukraine. Điều này đang diễn ra mặc dù nhóm các quốc gia G7 đã áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với xuất khẩu dầu của Nga.

Hiện giờ có vẻ như Putin muốn giành được sự ủng hộ của OPEC để hưởng lợi từ giá năng lượng cao vốn gây bất lợi cho các quốc gia thành viên khác của nhóm. Việc cắt giảm sản lượng lặp đi lặp lại của OPEC đã đẩy giá ngày càng cao hơn trong quá khứ, điều này đã cho phép Nga chào giá thấp hơn so với OPEC để thu hút người mua và tiếp tục bán dầu thô. Ấn Độ, Trung Quốc và một số quốc gia khác cho đến nay vẫn phớt lờ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, tận dụng thời điểm này như một cơ hội để tích trữ dầu giá rẻ. Điều này đã khiến các quốc gia thành viên OPEC bị mất thị phần. cChẳng hạn, trong hai tháng đầu năm, Nga đã vượt Ả Rập Saudi để trở thành nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc, vận chuyển khoảng 1,94 triệu thùng/ngày cho gã khổng lồ châu Á, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhưng giờ đây OPEC đang để ý tới chuyện này, có nghĩa là Putin có lẽ không thể tiếp tục chiến thuật này lâu dài. Các quốc gia thành viên của OPEC đang nhanh chóng mất niềm tin vào Nga, khi Bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia được cho là đã nói rằng ông “chán ngấy việc các thành viên OPEC không đạt được các mục tiêu về sản lượng dầu mỏ” và đang tìm kiếm “sự minh bạch hơn về sản lượng dầu mỏ từ Nga”. Cho đến nay, các quốc gia thành viên đang tìm cách tăng mức sản xuất của họ, chẳng hạn như UAE, đã kiên nhẫn. Nhưng nếu Nga tiếp tục chào bán giá thấp hơn so với OPEC và phớt lờ hạn ngạch của họ, điều đó có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong liên minh năng lượng vốn ổn định cho đến nay. Ngoài ra, do xuất khẩu dầu mạnh của Nga, bất chấp việc cắt giảm sản lượng của OPEC, giá dầu đã giảm. Điều này cho thấy rằng Nga cuối cùng có thể cần phải bán lỗ dầu thô của mình để duy trì mức xuất khẩu, gây bất lợi cho nền kinh tế và nỗ lực chiến tranh.

Trong khi đó, có vẻ như OPEC không thể thống nhất về hạn ngạch của mình. Nhóm và các đồng minh đã gặp nhau vào đầu tháng này để thảo luận về một thỏa thuận mới, với khả năng điều chỉnh hạn ngạch của các quốc gia thành viên. Việc cắt giảm sản lượng bổ sung lên tới 1 triệu thùng/ngày đã được xem xét tại cuộc họp để đẩy giá dầu lên. Nhưng ý tưởng này đã bị bác bỏ do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Người ta tin rằng chủ tịch OPEC+ là Saudi cần phải có giá dầu thô Brent đạt trên 80 đô la một thùng để thanh toán chi tiêu chính phủ và hóa đơn nhập khẩu.

Giá dầu đã biến động mạnh trong những năm gần đây do đại dịch Covid và năm ngoái, do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Giá Brent đã tăng lên hơn 130 đô la một thùng sau khi bắt đầu xung đột vào năm 2022 và kể từ đó đã giảm xuống mức thấp dưới 70 đô la một thùng vào tháng 3 năm nay. David Fyfe, từ Argus Media, cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các nước phát triển, gần như dẫn đến suy thoái… Và chúng tôi không nghĩ rằng nhu cầu dầu ở Trung Quốc sẽ tăng nhiều trong vài tháng tới. Vì vậy, thị trường sẽ không thắt chặt như vậy trong nửa cuối năm nay.”

Giá dầu đã giảm rất đáng kể kể từ khi bắt đầu chiến tranh, rất may cho người tiêu dùng vốn đang gặp khó khăn về mặt kinh tế sau khi hóa đơn năng lượng cực cao vào năm 2022. Điều này phần lớn là do Nga đã sử dụng việc cắt giảm sản lượng của OPEC - nhằm đẩy giá dầu thô lên - để cung cấp dầu giá rẻ cho hai trong số những nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - Ấn Độ và Trung Quốc. Nếu Nga tiếp tục chơi trò này, thì khó có thể giữ được sự ủng hộ từ OPEC+, tổ chức cho đến nay vẫn chưa lên án hay trừng phạt các hành động của Nga.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM