Philippines cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch xây dựng liên minh quốc phòng với Mỹ và các đồng minh phương Tây nhằm giúp quốc gia Đông Nam Á này có thể thăm dò Biển Đông có lượng dầu khí dồi dào.
“Tôi thực sự nghĩ rằng việc chúng ta bắt đầu ngay bây giờ là khá cấp bách,” Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jnr nói với Bloomberg News trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư tại văn phòng của ông ở Manila, đồng thời nói thêm rằng việc thăm dò dầu mỏ là “một phần trong gói” chiến lược bảo vệ lãnh thổ của nước này.
Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nổ ra sau khi Bắc Kinh đưa ra yêu sách về chủ quyền trên vùng biển này - nơi có trữ lượng ước tính khoảng 11 tỷ thùng dầu chưa được khai thác. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong đó có Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam đã phản đối Trung Quốc trong khi tòa án quốc tế năm 2016 cũng có lập trường tương tự.
Philippines, quốc gia nhập khẩu gần như toàn bộ nhu cầu nhiên liệu, đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn năng lượng mới khi mỏ khí đốt quan trọng của nước này sắp cạn kiệt. Tuy nhiên, nước này phải đối mặt với việc Trung Quốc thường xuyên triển khai tàu quân sự ở vùng biển tranh chấp.
“Điều này có thể đồng nghĩa là họ thực sự muốn thống trị và kiểm soát hoàn toàn mọi thứ, từ tự do đi lại đến tài nguyên, hoặc họ muốn có được Philippines để biến họ trở thành đối tác liên doanh duy nhất trong việc thăm dò hoặc khai thác tài nguyên ở khu vực này,” Bộ trưởng Teodoro phát biểu.
Căng thẳng giữa hai quốc gia đã leo thang trong năm qua với việc Philippines tuyên bố sẽ từ chối bất kỳ hoạt động thăm dò chung nào mà không công nhận quyền độc quyền khai thác các nguồn tài nguyên này của quốc gia.
Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông bắt đầu từ những năm 1970 khi các nước bắt đầu yêu sách nhiều vùng và đảo khác trên biển, chẳng hạn như quần đảo Trường Sa, nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên và khu vực đánh bắt cá phong phú.
Trung Quốc khẳng định quân đội nước ngoài không được phép tiến hành các hoạt động thu thập thông tin tình báo, bao gồm cả các chuyến bay trinh sát, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Nguồn tin: xangdau.net