Trong phiên giao dịch 25/1, giá dầu thế giới tăng khoảng 1% nhờ tâm lý lạc quan về các biện pháp kích thích mới dành cho kinh tế Mỹ và một số lo ngại về nguồn cung.
Cơ sở khai thác dầu thô. Ảnh: Benzinga/TTXVN
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 47 xu Mỹ (0,9%) lên 55,88 USD/thùng, còn giá dầu chuẩn Tây Texas tăng 50 xu Mỹ (1%) lên 52,77 USD/thùng.
Chính phủ của tân Tổng thống Mỹ đang nỗ lực giải quyết những lo ngại của đảng Cộng hòa rằng đề xuất về gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD là quá lớn.
Chuyên gia Bjornar Tonhaugen, thuộc Rystad Energy nhận định tân Tổng thống Mỹ đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình thông qua gói cứu trợ trên để hỗ trợ đà phục hồi của kinh tế và điều này được đánh giá là nhân tố có lợi cho tiêu thụ dầu mỏ.
Về phía nguồn cung, theo Petro-Logistics, mức độ tuân thủ thoả thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 1/2021 đạt 85%. Số liệu này cho thấy OPEC và các đồng minh đã nghiêm túc hơn trong việc tuân thủ các cam kết hạn chế nguồn cung.
Trong khi đó, sản lượng dầu từ mỏ Tengiz khổng lồ của Kazakhstan đã bị gián đoạn do mất điện vào ngày 17/1.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý sự gia tăng các ca mắc COVID-19 mới tại Trung Quốc đang “phủ mây đen” lên triển vọng nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.
Theo thống kê, trong ngày 21/1, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 103 ca nhiễm mới, trong đó có 94 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến ngày 21/1, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 88.804 ca nhiễm, trong đó có 4.635 ca tử vong do COVID-19./.
Nguồn tin: Bnews