Giá dầu thế giới ghi nhận mức tăng trong ngày cao kỷ lục trong phiên giao dịch 2/4.
Đổ xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Khép phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 21% lên 29,94 USD/ thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 24,7% lên 25,32 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent tăng đến 47%, mức tăng tính theo phần trăm trong ngày cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, giá WTI có lúc tăng 35%, mức tăng theo tỷ lệ phần trăm trong ngày cao thứ hai từ trước đến nay, sau mức 36% ghi nhận trong phiên 19/3.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/3 cho biết ông đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman nhằm chấm dứt đà lao dốc của giá dầu. Ông hy vọng Saudi Arabia và Nga sẽ cắt giảm sản lượng 10 - 15 triệu thùng dầu, khi mà hai nước này bày tỏ sẵn sàng đạt một thỏa thuận.
Một thỏa thuận có quy mô lớn nói trên đòi hỏi sự tham gia của các nước sản xuất dầu lớn khác ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Saudi Arabia cho hay nước này sẽ kêu gọi OPEC triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về các vấn đề liên quan.
Theo thông tin từ Wall Street Journal, Saudi Arabia sẽ cân nhắc giảm sản lượng xuống khoảng 9 triệu thùng dầu/ngày, hoặc bớt khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày so với mức tăng sản lượng nước này dự kiến trong tháng 4/2020.
Bất chấp đà tăng có được trong phiên này, giá dầu vẫn giảm hơn một nửa kể từ đầu năm đến nay. Thị trường suy giảm vào đầu tháng 3 khi Saudi Arabia và Nga không thể đạt các điều kiện về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng, và Saudi Arabia tăng sản lượng lên hơn 12 triệu thùng dầu/ngày. Bên cạnh đó, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã làm giảm nghiêm trọng nhu cầu đối với nhiên liệu. Giá dầu Mỹ trong những ngày gần đây đã nhiều lần giảm xuyên thủng ngưỡng 20 USD/thùng.
Nguồn tin: baotintuc.vn