Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, vẫn có đến 643 trong số gần 4.000 cơ sở kinh doanh xăng dầu được kiểm tra đã vi phạm về đo lường, chất lượng với số tiền gian lận lên đến 3,81 tỷ đồng.
Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các hành vi vi phạm được phát hiện chủ yếu là lắp chíp điện tử làm thay đổi tình trạng kỹ thuật của phương tiện đo, sai số phương tiện đo, vi phạm thời hạn kiểm định phương tiện đo, sai phạm về phép đo, chất lượng xăng dầu…
Kiểm tra niêm phong kẹp chì trong cột đo xăng dầu. Ảnh: Mạnh Đồng.
Cũng theo ông Dũng, trong các hình thức gian lận thì khó phát hiện và xử lý nhất là trường hợp chủ cơ sở lắp đặt thêm thiết bị điều chỉnh sai số của phương tiện đo nhằm móc túi người tiêu dùng. Tại Lạng Sơn, mặc dù đoàn thanh tra kiểm tra, phát hiện thấy một cửa hàng kinh doanh xăng dầu có sai số lên đến 18%. Nhưng lại không thể tìm ra thiết bị điều khiển chíp điện tử giấu ở vị trí nào. Vì thế, chỉ có thể xử phạt cơ sở vi phạm về sai số phương tiện đo.
Đợt thanh tra lần này, các đoàn liên ngành đã xử phạt 643 cơ sở vi phạm về đo lường, chất lượng xăng dầu với tổng số tiền lên đến 3,81 tỷ đồng. Trong đó có 33 cơ sở bị rút giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, việc xử phạt vi phạm hành chính trong đo lường theo cao nhất chỉ ở mức 20 triệu đồng là quá nhẹ so với số tiền họ “móc túi” người tiêu dùng. Điều này khiến các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu “nhờn” với các biện pháp xử phạt.
Để khắc phục tình trạng này, ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng, bên cạnh việc tăng mức hình phạt đối với các hành vi vi phạm, cũng cần lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở tái phạm nhiều lần hoặc có hành vi vi phạm một cách nghiêm trọng, gây sai số lớn. “Chỉ cần một vài vụ được xử lý nghiêm, sẽ có tác dụng răn đe rất lớn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thắng, cần tính đến biện pháp truy thu nguồn thu bất chính của các cơ sở vi phạm. Có thể tính từ ngày kiểm tra gần nhất và số lượng xăng dầu nhập vào, bán ra hàng tháng để buộc các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu bồi hoàn cho người tiêu dùng (nếu có hóa đơn, chứng từ) chấm dứt lưu hành xăng A83. Đây chính là nguồn xăng để các chủ cơ sở kinh doanh trộn lẫn với các loại xăng A90, A92, A95 để trục lợi.
(Đất việt)