Theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, từ 1.7 thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu tăng kịch trần lên 4.000 đồng, dầu lên hỏa lên 2.000 đồng…
Thuế bảo vệ môi trường tăng kịch khung, doanh nghiệp sẽ cạnh tranh khó khăn hơn
KHẢ HÒA
Hiện tại, thuế BVMT đối với mặt hàng xăng là 3.000 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít, dầu nhờn 900 đồng/lít… Nếu theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ tháng 7, giá xăng RON 95 (theo mức giá bán lẻ ngày 2.7) từ 21.370 đồng/lít sẽ lên 22.370 đồng/lít. Tương tự, giá dầu hỏa từ 16.370 đồng/lít sẽ tăng lên 18.070 đồng/lít, dầu nhờn từ 17.510 đồng/lít sẽ lên 18.610 đồng/lít…
Bộ đã tham khảo ý kiến ai ?
Đến ngày 2.7, một số đại lý bán lẻ xăng tại TP.HCM cho biết, chưa nhận được thông tin tăng giá từ các nhà phân phối liên quan vấn đề tăng thuế BVMT theo kịch khung như kế hoạch Bộ Tài chính nêu trước đây. Đại diện Petrolimex tại TP.HCM cũng xác nhận, Petrolimex Sài Gòn vẫn tính theo mức giá xăng dầu cũ được điều chỉnh từ kỳ điều chỉnh thứ hai của tháng 6, ngày 22.6 vừa qua.
Trước đó, khi đưa ra phương án tăng thuế BVMT kịch khung trình Quốc hội, Bộ Tài chính đã đưa ra mức dự kiến, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 14.300 tỉ đồng mỗi năm. Ngoài việc dẫn ra số tiền ngân sách sẽ thu về được từ tăng thuế BVMT, để bảo lưu quan điểm của mình, trong tờ trình, Bộ Tài chính cũng cho biết, trong 77 ý kiến tham gia góp ý, có đến 47 ý kiến nhất trí hoàn toàn. Từ đây, cơ quan này cho rằng, toàn dân đã đồng thuận cho việc tăng thuế BVMT xăng dầu.
Chuyên gia tài chính Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính - băn khoăn, không rõ Bộ đã hỏi những ai, và các vị nhất trí đó có thật sự là đại diện cho dân không. Bởi đa số người dân, chuyên gia đều phản đối việc tăng này vì nó đi ngược lại hiệu quả BVMT. Bởi nếu đánh thuế môi trường với mục đích giảm tiêu dùng, hạn chế sử dụng sản phẩm đó thì phải đánh vào than, vì than ô nhiễm hơn xăng dầu rất nhiều. Các chuyên gia giả thuyết, có thể việc thu thuế BVMT từ xăng dầu dễ hơn thu từ than nên Bộ Tài chính chọn cách làm dễ hơn chăng.
Tăng thuế, giá cước sẽ tăng
Trần Nguyễn Lê Văn, Giám đốc Công ty Vé Xe Rẻ - đơn vị đang kết nối bán vé xe cho hơn 300 nhà xe lớn nhỏ chạy các tuyến từ Nam ra Bắc cho rằng, việc tăng thuế xăng dầu kịch khung vào thời điểm này là rất khó khăn cho doanh nghiệp.
Mức tăng thuế BVMT đối với từng mặt hàng theo đề xuất của Bộ Tài chính: Xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.
“Chi phí về xăng dầu thường chiếm 30-40% tổng chi phí của nhà xe, tăng lúc này, bắt buộc các hãng xe phải xin tăng giá chứ không “gánh” nổi. Nếu đề xuất của Bộ Tài chính đã được chấp thuận, tôi lo ngại thị trường vận tải từ nay đến cuối năm gặp nhiều khó khăn thách thức hơn, đổ gánh nặng lên vai doanh nghiệp nhiều hơn. Nếu nhà kinh doanh vận tải tăng giá, chắc chắn nhiều mặt hàng thiết yếu khác sẽ tăng theo. Lúc đó sẽ tác động trực tiếp đến với người tiêu dùng rất lớn”, ông Văn chia sẻ.
Ông Lê Văn Khang, chủ xe chạy đường Đà Nẵng - Huế - Đồng Hới, khẳng định, việc tăng giá là chắc sẽ xảy ra. Thời điểm này giá xăng dầu thế giới đang tăng. Nếu tăng kịch khung mức thuế BVMT cho xăng dầu lúc này, DN vận tải phải chịu mức tăng kép. “Hiện có quá nhiều nhà xe mở ra hoạt động tuyến miền Trung, các tuyến khác cũng đang cạnh tranh dữ dội. Doanh nghiệp vận tải đang gánh nhiều áp lực cạnh tranh, nên tăng giá cũng rất khó. Mà không tăng sẽ khó về lâu dài hơn. Tôi kiến nghị nếu tăng giá xăng lúc này, Bộ Tài chính nên nghiên cứu tính toán lại các loại phí đường bộ khá cao hiện nay đi”, ông Khang nêu quan điểm.
Chưa có thông tin chính thức thuế BVMT tăng kịch khung từ đầu tháng theo đề xuất của Bộ Tài chính, tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, tăng lúc này là ảnh hưởng lớn đến quá trình cạnh tranh của doanh nghiệp. Giá xăng tăng, khiến giá thành tăng, chi phí tăng sẽ làm hạn chế cạnh tranh. Nếu để khuyến khích kinh tế phát triển, khuyến khích sản xuất lâu dài, cần khuyến khích chi tiêu. Thế nên, con đường tăng thuế là đang đi ngược lại các mục tiêu phát triển kinh tế.
Theo Bộ Tài chính, mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là xăng dầu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và thị trường ASEAN. Ngoài ra, việc áp dụng các hiệp định thương mại tự do đang khiến nguồn thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm trong nhiều năm qua.
Nguồn tin: Thanhnien.vn