Ngày 15/7, công ty Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) tuyên bố nối lại hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu ở Libya sau khoảng 6 tháng bị phong toả do liên quan đến các cuộc xung đột ở nước này.
Một cơ sở dầu mỏ ở Libya
Libya, nơi có trữ lượng dầu mỏ dồi dào nhất ở châu Phi, bị xâu xé do xung đột giữa hai phe: Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận có trụ sở tại Tripoli và Thống chế Khalifa Haftar, ở phía đông và một phần phía nam Libya. Được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ về mặt quân sự, phe GNA đã giành được những chiến thắng quan trọng trong những tháng gần đây, kiểm soát toàn bộ phía tây bắc và đánh đuổi lực lượng của tướng Haftar, người đã tiến hành cuộc tấn công kể từ 4/2019 nhằm kiểm soát thủ đô Tripoli.
Tuy nhiên, phe thống chế Haftar, được Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Nga hỗ trợ, vẫn giữ quyền kiểm soát phần lớn các cơ sở dầu mỏ. Từ ngày 17/1/2020, phe Haftar đã phong toả các mỏ dầu và các cảng xuất khẩu dầu quan trọng của Libya.
Trong một thông cáo báo chí, NOC cho biết một tàu chở dầu đầu tiên đã bắt đầu nạp dầu thô từ cảng dầu al-Sedra (phía đông) vào ban ngày. Nhưng sản xuất sẽ mất nhiều thời gian để đạt được mức trước khi bị phong toả - khoảng 1,2 triệu thùng mỗi ngày – “vì lệnh phong toả bất hợp pháp được áp đặt kể từ ngày 17/1 đã gây thiệt hại đáng kể cho các kho chứa và cơ sở hạ tầng dầu mỏ”, theo NOC.
Công ty cũng tuyên bố “dỡ bỏ tình trạng bất khả kháng đối với việc xuất khẩu” tại Libya. Biện pháp này, được viện dẫn trong các trường hợp đặc biệt, cho phép miễn trách nhiệm của NOC trong trường hợp không tuân thủ các hợp đồng giao dầu.
NOC là một công ty trung lập và độc lập, nhưng phe Haftar cáo buộc NOC tài trợ cho “chính phủ GNA”.
“Cuối cùng, chúng tôi rất vui khi có thể thực hiện bước tiến quan trọng này để khôi phục” sản xuất dầu khí, Mustafa Sanalla, chủ tịch NOC cho biết.
Về phần mình, Đại sứ quán Hoa Kỳ, đã chuyển đến Tunis kể từ khi bị đóng cửa ở Libya năm 2014, chúc mừng trên Twitter về việc dỡ bỏ tình trạng "bất khả kháng" và “tái khởi động lại một hoạt động sống còn cho tất cả người dân Libya”. Đại sứ quán Pháp cũng chuyển đến Tunis, đã hoan nghênh việc Libya tiếp tục sản xuất dầu mỏ, và nói rằng Pháp đã từ chối “quân sự hoá các cơ sở dầu mỏ” và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn tính trung lập và độc quyền của NOC”.
Libya đã lên kế hoạch tăng sản lượng dầu lên 2,1 triệu thùng mỗi ngày (Mb /ngày) vào năm 2024. Nhưng vì lệnh phong toả các mỏ dầu, sản lượng có thể sẽ không được vượt quá 650 000 thùng/ ngày vào năm 2022.
Mới đây, NOC đã mở các cuộc đàm phán giữa GNA và “các quốc gia trong khu vực” ủng hộ thống chế Haftar. Mục tiêu của các cuộc đàm phán "được Liên Hợp Quốc và Mỹ giám sát nhằm cho phép tái sản xuất dầu mỏ. Việc ngành dầu mỏ Libya ngừng hoạt động kể từ tháng 1/2020 đã gây thiệt hại hơn 6,5 tỷ USD.
Thoả thuận đàm phán quy định rằng “tất cả các khoản thu từ dầu sẽ tiếp tục được gửi vào tài khoản (ngân hàng) của NOC”. Tài khoản này sẽ bị phong toả cho đến khi có được sự đảm bảo về tính “minh bạch tái chính, bình đẳng và công bằng xã hội cho tất cả người dân Libya”, và đến khi các biện pháp an ninh mới ngăn chặn được việc các mỏ dầu bị biến thành “mục tiêu quân sự hoặc công cụ tống tiền chính trị trong tương lai”.
Việc phân chia tiền bán dầu thường xuyên gây ra những bất đồng ở Libya, đặc biệt là từ phía lực lượng ủng hộ Haftar. Kể từ năm 2011, những tiếng nói phản đối sự bất công này thường được Thống chế Haftar sử dụng làm động lực cho các chiến dịch quân sự của ông chống lại GNA, mặc dù tất cả đều kết thúc trong thất bại.
Libya đã bị ảnh hưởng bởi bạo lực và đấu tranh quyền lực kể từ khi chế độ Muammar Gaddafi sụp đổ. Ông Muammar Gaddafi bị giết chết trong cuộc nổi dậy năm 2011.
Nguồn tin: petrotimes.vn