Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Phân tích: Vì sao thỏa thuận OPEC+ không giúp giá dầu tăng mạnh?

OPEC+ đã đạt được thỏa thuận cắt giảm khai thác dầu toàn cầu gần 13% . Sau khi công bố tin này, thị trường đã tăng nhẹ vào đầu phiên nhưng sau đó giá dầu thô lại rơi vào vùng "đỏ" ngày 13/4. Các chuyên gia giải thích về hiện tượng này như thế nào?

Trong khi OPEC+ đạt được thỏa thuận vào ngày 12/4 về việc giảm khai thác dầu, thì việc dầu thô tăng giá đã không diễn ra. Roustam Tankayev, thành viên của Ủy ban phụ trách các vấn đề năng lượng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, giải thích rằng không ai dự đoán giá dầu sẽ đột ngột tăng lên đến mức trước khi xảy ra khủng hoảng.

“Với hoàn cảnh hiện tại, hầu như không thể đánh giá sự suy giảm nhu cầu dầu. Một số tổ chức và OPEC đưa ra dự báo về mức giảm tối thiểu. Hơn nữa, các nước sản xuất dầu hiện đã chấp nhận sự sụt giảm này. Tuy nhiên, có thể giảm không chỉ 10 triệu thùng, mà còn giảm 20 hoặc thậm chí 35 triệu thùng. Từ quan điểm của những tác nhân trên thị trường, quyết định cắt giảm của OPEC+ được thông qua hóa ra chưa đủ mạnh để đưa giá dầu cất cánh”, ông Tankayev nhận xét.

Bóng trong chân Mỹ và Canada?

Về phần mình, Muhammad Surur al-Sabban, một chuyên gia về dầu của Arập Saudi, tin rằng giá sẽ chỉ bắt đầu tăng mạnh khi tất cả các nước sản xuất dầu thô giảm sản lượng và không chỉ các bên liên quan của thỏa thuận mới của OPEC+.

“Chúng ta chỉ còn hy vọng rằng các quốc gia không nằm trong thỏa thuận cũng chấp nhận giảm sản lượng. Trước hết là Hoa Kỳ và Canada. Nếu họ giảm khai thác ít nhất 5 triệu thùng mỗi ngày, giá dầu sẽ bắt đầu tăng dần. Nếu không, giá sẽ tiếp tục giảm như sáng 13/4", ông al-Sabban nói.

Các nước xuất khẩu vàng đen hiện nằm ngoài thỏa thuận được ký kết vào ngày 12/4 phải nhận ra trách nhiệm của họ trên thị trường thế giới. "Họ cũng sẽ phải tham gia giải cứu nó. Tất nhiên, do các điều kiện áp đặt bởi luật pháp trong nước của họ, Hoa Kỳ và Canada không thể tham gia vào thỏa thuận OPEC+. Nhưng giảm khai thác theo nhu cầu thị trường, họ có thể làm điều đó một cách độc lập”, chuyên gia al-Sabban cho biết.

Cái giá phải trả?

Hiện tại, thị trường đang phải trả giá cho sự bùng nổ đáng kinh ngạc, được ghi nhận vài năm trước, khi giá dầu thô vượt quá 100 đô la một thùng, Alexei Zoubets, Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế xã hội Nga, cho biết.

"Các nhà sản xuất dầu đang trả giá cho các cường quốc khai thác bơm quá nhiều dầu từ năm 2010 đến 2014, khi giá mỗi thùng dầu lên trên 100 đô la. Giá dầu cao đã khởi động các dự án đầu tư tạo ra năng lực khai thác mới. Nếu tất cả các quốc gia khi đó đã giữ giá thấp hơn, thì tình hình hiện tại đã không xảy ra", chuyên gia Nga nói.

Theo ông, phải mất vài năm để tiêu thụ hết sản lượng dầu dư thừa trên thị trường.

Dự đoán gì?

Các chuyên gia nhất trí rằng trong ngắn hạn, giá sẽ không thể tăng cao. Tuy nhiên, khoảng đầu tháng 6/2020 tình hình sẽ bắt đầu hồi phục. Nhưng, một lần nữa giá dầu sẽ vẫn dưới mức mong đợi.

Nhu cầu dầu mỏ bắt đầu hồi phục ở Trung Quốc, sau khi dỡ bỏ phong tỏa, quốc gia này đã nối lại 90% hoạt động công nghiệp. "Nhưng không phải Trung Quốc, mà là châu Âu đang làm chậm sự tăng giá dầu: tiêu dùng ở châu lục này đã giảm đáng kể và tiếp tục giảm. Nhưng tôi nghĩ rằng khoảng tháng 6/2020, nhu cầu ở châu Âu sẽ tăng và giá sẽ tăng trở lại”, ông Tankaïev dự đoán.

Về phần mình ông al-Sabban không loại trừ sự gia tăng của giá dầu nhưng đưa ra dự báo kém lạc quan hơn. "Tôi tin rằng giá dầu sẽ không cho thấy bất kỳ sự gia tăng mạnh nào trong tương lai gần. Nhu cầu dầu sẽ thấp do sự phong tỏa của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong quý 2/2020”.

Ông tin rằng cho đến khi việc phong tỏa hoàn toàn được dỡ bỏ, dầu sẽ không tăng trên 30 đô la một thùng.

Nguồn tin: petrotimes.vn
 

ĐỌC THÊM