Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Phải sớm giảm giá xăng E5

 

Cần giảm giá xăng E5 để góp phần kéo giảm chỉ số lạm phát 6 tháng cuối năm 2018. Ảnh: Hải Nguyễn

Để góp phần kéo giảm chỉ số lạm phát trong 6 tháng cuối năm, hỗ trợ xăng E5 “sống khoẻ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các bộ phải triển khai các biện pháp kéo giảm giá loại xăng này. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đang “chuyền bóng” trong câu chuyện giảm thuế, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới giá xăng E5.

Muốn giảm giá, phải giảm thuế, ngừng trích quỹ bình ổn

Ngày 10.7, tại phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, trong trường hợp giá xăng dầu tăng cao sẽ sử dụng tối đa quỹ bình ổn, tạm dừng trích lập quỹ bình ổn… Phó Thủ tướng nhận định, nếu giảm được giá xăng E5 xuống sẽ có tác động kép, kích thích tiêu dùng và cũng là nhân tố kéo mặt bằng giá xuống.

Để thực hiện được vấn đề này, Phó Thủ tướng đồng tình với phương án chia giai đoạn tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tăng cường sử dụng Quỹ bình ổn để giảm giá xăng, hoặc có thể ngừng trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu trong một thời gian để góp phần giảm giá xăng dầu; giao Bộ Công Thương xây dựng Đề án giảm thuế đối với nhiên liệu sinh học và chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xem xét sửa nghị định để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5.

Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, vấn đề giảm giá xăng E5 đã được nói tới nhiều nhưng mới chỉ nói chung chung trong khi việc điều chỉnh giá xăng E5 phụ thuộc nhiều vào chính sách thuế, phí. Cơ cấu thuế phí với mặt hàng xăng E5 gồm 4 loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế TTĐB nên muốn giảm thì phải xem xét giảm các loại thuế này.

Hai bộ “chuyền bóng”, giảm giá bằng cách nào?

Trao đổi với Báo Lao Động ngày 11.7 về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, muốn giảm giá xăng E5, cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường cho loại xăng này và việc này được nhận định sẽ giúp cho lộ trình xăng sinh học thực hiện theo đúng chỉ đạo và lộ trình đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, để giải bài toán này, ông Hải cho rằng, “vấn đề này chủ yếu là thuế” và Bộ Công Thương sẽ phối hợp nhưng Bộ Tài chính cần thực hiện để ra nghị định sửa đổi nghị định cũ liên quan tới thuế TTĐB.

Ông Hải cũng cho hay, Bộ Công Thương đã đề xuất và Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sửa nghị định.

Trong khi đó, theo đại diện của Tài chính, trong vấn đề xăng dầu nói chung và giảm giá xăng E5 nói riêng, đơn vị chủ trì phải là Bộ Công Thương và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng đề án giảm thuế đối với nhiên liệu sinh học. Bộ Tài chính sẽ có ý kiến khi Bộ Công Thương xây dựng xong đề án trên và từ đó mới có cơ sở xây dựng nghị định sửa đổi nghị định về thuế TTĐB với xăng E5.

Theo đại diện này, việc xây dựng đề án giảm thuế là bắt buộc để có bức tranh tổng thể về xăng E5 cũng như đánh giá các tác động của việc giảm thuế tới giá xăng và thị trường.

Bình luận về vấn đề chuyền bóng giữa hai bộ, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, đó là hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong khi Nghị định 83 đã quy định rất rõ về vai trò của từng bộ trong vấn đề này.

Theo ông Long, Bộ Công Thương phải có trách nhiệm chủ trì chính và “ra đề” với Bộ Tài chính về việc đưa ra các đề xuất giảm thuế. Trên cơ sở đề xuất giảm thuế của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ chủ trì điều tiết các yếu tố khác như trích quỹ bình ổn, lợi nhuận định mức… để từ đó điều tiết giá xăng E5.

Theo quy định hiện hành thì mức bảo vệ môi trường với nhiên liệu mức IV với mức II đang được đánh đổ đồng bằng nhau (1.500 đồng/lít) còn Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt quy định mức thu đối với xăng A92 dùng để pha chế với thuế suất 10%. Xăng E5, E10 được pha với tỉ lệ tương ứng 95%, 90% với xăng A92 và 5%, 10% với cồn sinh học nên thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 1 lít xăng E5 là 9,5% và 9% đối với xăng E10 nhưng từ năm 2016, để khuyến khích xăng sinh học, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đã được điều chỉnh xuống còn 8% với E5 còn mức 7% áp dụng đối với xăng E10. Doanh nghiệp căn cứ vào mức thuế kể trên và tỉ lệ xăng khoáng dùng để phối trộn ra nhiên liệu sinh học để tiến hành khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cởi trói để “cứu” xăng E5. Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cho rằng, muốn khuyến khích người dân tin dùng xăng sinh học thì ngoài việc tuyên truyền về mặt môi trường, cơ quan quản lý phải đưa ra minh chứng cụ thể về chất lượng xăng E5. Ngoài ra, hiện tại chỉ có một nhà máy duy nhất sản xuất ethanol là nguyên liệu cho xăng sinh học E5, rất dễ dẫn đến tình trạng độc quyền về giá.

Bởi vậy, cần xem lại yếu tố đầu vào để làm sao giảm được giá thành nguyên liệu để xăng E5 thực sự cạnh tranh, đó là yếu tố chính để thúc đẩy việc giảm giá loại xăng này. Khi giải quyết được vấn đề này, tất yếu giá thành xăng E5 sẽ giảm, đồng nghĩa lượng tiêu thụ sẽ cao hơn.

Nguồn tin: laodong.vn

ĐỌC THÊM