Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

PetroVietnam vững vàng là đầu tàu xuất khẩu

Mặc dù thị trường dầu thô những tháng cuối năm 2008 tương đối ảm đạm khi giá dầu sụt giảm ở mức kỷ lục, nhưng năm vừa qua vẫn là năm thành công lớn đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) về nhiều lĩnh vực: doanh thu, xuất khẩu, nộp ngân sách Nhà nước và tìm kiếm, khai thác những mỏ dầu mới.
 
Những mốc son mới

Mỏ dầu khí Sông Đốc đã được đưa vào khai thác trong năm 2008. Ảnh tư liệu

Năm 2008, doanh thu của toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là 280,05 nghìn tỷ đồng, đạt 149,6% kế hoạch năm và tăng 31,2% so với năm 2007, chiếm hơn 20% GDP cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn là 11,15 tỷ USD, đạt 146,7% kế hoạch năm, tăng 26,7% so với năm 2007, chiếm hơn 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; nộp ngân sách 121,8 nghìn tỷ đồng, đạt 181,4% kế hoạch năm, tăng 41,7% so với năm 2007, chiếm hơn 31% tổng thu ngân sách Nhà nước.
 
Điều đáng mừng là năm qua, Tập đoàn đã phát hiện được 5 mỏ dầu mới, đưa thêm 5 mỏ dầu khác vào khai thác và hoàn tất một đề án mở rộng phát triển mỏ. Tập đoàn cũng đã nắm bắt tốt các cơ hội để mở rộng, ký các hợp đồng khai thác ở nước ngoài. Thực tế là trong 15 hợp đồng dầu khí mới được ký kết trong năm qua thì có tới 10 hợp đồng ở nước ngoài. Mức gia tăng trữ lượng dầu khí của Tập đoàn là 127 triệu tấn thu hồi (đạt 363% kế hoạch), trong đó ở trong nước là 30 triệu tấn, còn ở nước ngoài là 97 triệu tấn (từ SK 305 – Ma-lai-xi-a: 2 triệu tấn, từ mỏ Ju-nin 2 – Vê-nê-xu-ê-la: 95 triệu tấn). Đồng chí Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn phấn khởi cho biết, hợp đồng khai thác dầu khí từ Vê-nê-xu-ê-la, dự kiến được thực hiện từ năm 2012, đạt đỉnh khai thác vào năm 2014 với khoảng 10 triệu tấn/năm (bằng khoảng 45% tổng sản lượng khai thác của Tập đoàn thời điểm hiện nay).
 
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ khai thác tài nguyên dầu khí, PetroVietnam đã “gánh vác” cả lĩnh vực năng lượng điện. Năm qua, các nhà máy thuộc Tập đoàn đã cung cấp cho lưới điện quốc gia 3,4 tỷ kWh điện, góp phần khắc phục sự thiếu hụt điện, đặc biệt là trong mùa khô. Khi các nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 của PetroVietnam được hoàn thiện, lưới điện quốc gia sẽ được cung cấp thêm khoảng hơn 10 tỷ kWh điện/năm, chiếm 15% tổng sản lượng điện toàn quốc. Theo định hướng phát triển, trong tương lai gần, PetroVietnam sẽ đảm trách khoảng 30% sản lượng điện quốc gia.
 
Năm 2009-thách thức từ giá dầu và sản lượng
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định, kinh tế muốn đạt mức tăng trưởng tốt thì xuất khẩu phải tốt. Trong đó, vai trò đầu tàu của PetroVietnam trong việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu là vô cùng quan trọng.
 
Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn lớn không chỉ đối với ngành dầu khí Việt Nam mà còn với ngành dầu khí của toàn thế giới là giá dầu thô đang sụt giảm mạnh. Đồng chí Đinh La Thăng cho biết, giá dầu thô trên thị trường thế giới chỉ còn 36 USD/thùng, chưa bằng ¼ so với mức giá đỉnh điểm năm 2008 là 147 USD/thùng. Do tính chất nhạy cảm, nhạy biến của giá dầu thô nên hiện không ai dám khẳng định về giá dầu năm 2009.
 
Vì thế, PetroVietnam đã dự trù tới 5 kịch bản về giá dầu. Trong đó, mức giá cao nhất là khoảng 70 USD/thùng và thấp nhất là 30 USD/thùng. Nếu mức giá là khoảng 70 USD/thùng thì Tập đoàn sẽ hoàn thành được nhiệm vụ mà Quốc hội, Chính phủ giao cho, doanh thu sẽ vào khoảng 261,11 nghìn tỷ đồng. Còn nếu mức giá xuống tới 30 USD/thùng thì hoạt động của Tập đoàn sẽ thực sự khó khăn, các mỏ nhỏ có nguy cơ phải tạm ngừng khai thác do giá không bù đắp được chi phí, kế hoạch thăm dò phải thu hẹp ảnh hưởng đến sản lượng khai thác những năm tiếp theo, dịch vụ dầu khí của các thành viên sẽ bị cạnh tranh mạnh bởi đối thủ nước ngoài… Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn có cái nhìn tương đối lạc quan khi phỏng đoán giá dầu thô trung bình năm 2009 có thể từ 50 đến 60 USD/thùng. Được biết, giá dầu thô trung bình năm 2008 đạt 102 USD/thùng.
 
Để đạt được chỉ tiêu sản lượng khai thác dầu khí 24 triệu tấn quy dầu cũng là một thách thức không nhỏ cho Tập đoàn. Ngay trong năm 2008, tổng sản lượng khai thác của PetroVietnam là 22,50 triệu tấn quy dầu, chỉ bằng 95,7% kế hoạch năm và 98,8% so với thực hiện năm 2007. Đồng chí Lê Minh Hồng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn giải thích, nguyên nhân chính khiến sản lượng khai thác không đạt mục tiêu đề ra là do khi lập kế hoạch đã không sát với thực tế và nhiều dự án bị chậm tiến độ.
 
Để tăng hiệu quả, chia nhỏ rủi ro, Tập đoàn sẽ phối hợp với các nhà thầu dầu khí quốc tế triển khai các dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí ở trong nước. Cùng với đó, PetroVietnam triển khai hoạt động các liên doanh khai thác dầu khí tại Nga và Vê-nê-xu-ê-la; lựa chọn cơ hội đầu tư tìm kiếm thăm dò ở nước ngoài, trong đó ưu tiên mua lại các tài sản dầu khí ở nước ngoài (các mỏ đang khai thác hoặc đã có khẳng định về trữ lượng-bao gồm cả việc thành lập các liên doanh, mua các công ty nhằm mục đích gia tăng trữ lượng) để chờ đợi cơ hội đưa vào khai thác khi giá dầu tăng trở lại.
 
PetroVietnam sẽ tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Liên hợp Lọc Hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy lọc dầu Long Sơn, Tổ hợp hóa dầu miền Nam... Ngay trong năm 2009, PetroVietnam dự kiến sẽ lọc và đưa ra thị trường 3-3,5 triệu tấn xăng dầu thành phẩm, đáp ứng 20% nhu cầu thị trường.
 
Tập đoàn sẽ quản lý tập trung các nguồn vốn nhàn rỗi trong tất cả các đơn vị thành viên, triển khai phương án phát hành trái phiếu quốc tế, đẩy mạnh kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài tham gia với tư cách là cổ đông chiến lược tại các đơn vị. Đồng chí Đinh La Thăng khẳng định: Năm 2009 sẽ là năm PetroVietnam tiết kiệm tối đa các chi phí không thật sự cần thiết, dành toàn lực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao cho
 
(Quân đội nhân dân)

ĐỌC THÊM