Petrovietnam đã xây dựng chiến lược đầu tư với 4 trung tâm dầu khí trọng điểm quốc gia, trong đó, lấy Nghi Sơn làm khu liên hợp dầu khí trọng điểm của miền Bắc với Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn làm hạt nhân...
Chiều ngày 2/12, tại Thanh Hóa, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng dẫn đầu đoàn công tác của Petrovietnam đã có buổi làm việc Thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa. Tiếp đoàn có đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí Thư Tỉnh ủy và các đồng chí Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy, lãnh đạo các Sở, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn.
Tham gia đoàn công tác của Petrovietnam có Thành viên HĐTV Nguyễn Hùng Dũng, Phó Tổng giám đốc Lê Xuân Huyên, lãnh đạo Chi nhánh Phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn, PTSC Thanh Hóa và các Ban chuyên môn, Văn phòng Tập đoàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Mạnh Hùng đã bày tỏ sự vui mừng trước thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, với sự lựa chọn sáng suốt và tin tưởng của cán bộ nhân dân trong toàn tỉnh khi bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, trong đó, đồng chí Đỗ Trọng Hưng đã đắc cử Bí thư Tỉnh ủy với mức tín nhiệm rất cao.
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã thông tin tới đồng chí Đỗ Trọng Hưng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa những khó khăn, thách thức và kết quả sản xuất kinh doanh mà Petrovietnam đã đạt được trong thời gian qua. Tổng giám đốc Petrovietnam đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ và tạo điều kiện của Chính quyền và nhân dân Thanh Hóa trong việc xây dựng và vận hành dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng như các đơn vị trực thuộc Tập đoàn hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng chia sẻ, năm 2020 là năm vô cùng đặc biệt đối với ngành dầu khí thế giới nói chung và Petrovietnam nói riêng. Biến động lớn do dịch Covid-19 và quy luật cung cầu bất thường về dầu thô đã khiến có thời điểm giá dầu giảm kỷ lục xuống tới – 37,6 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dầu khí cũng như lịch sử nhân loại khi người bán dầu phải trả tiền cho người mua dầu. Theo tính toán của Tập đoàn thì chỉ cần giá dầu giảm 1 USD theo kế hoạch đề ra thì PVN sẽ thất thu khoảng 4,6 ngàn tỉ đồng, giảm mức nộp ngân sách tới 2 ngàn tỉ đồng.
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng trao tặng biểu tượng ngành dầu khí cho đồng chí Đỗ Trọng Hưng.
Trong bối cảnh đó, người lao động Petrovietnam được sự tin tưởng, hỗ trợ của Đảng, Chính phủ và các tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện các giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nên về cơ bản đã và đang đạt, vượt các chỉ tiêu chính trong kế hoạch cả năm 2020. Đến thời điểm này, doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 487 ngàn tỉ đồng, khai thác khoảng 18,12 triệu tấn dầu quy đổi, 10,6 triệu tấn xăng dầu, nộp ngân sách khoảng 61 ngàn tỉ đồng…
Đối với Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tổng giám đốc Petrvietnam nhấn mạnh, đây là một nhà máy mới hoạt động nên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Những áp lực lớn do cạnh tranh trên thị trường (cả trong nước và nước ngoài), mức độ ổn định và liên tục về chất lượng, phương thức bán hàng, phân phối… Nhưng không thể phủ nhận hiệu quả và giá trị của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện nay cũng như trong tương lai.
Theo đó, Petrovietnam đã xây dựng chiến lược đầu tư với 4 trung tâm dầu khí trọng điểm quốc gia, trong đó, lấy Nghi Sơn làm khu liên hợp dầu khí trọng điểm của miền Bắc với Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn làm hạt nhân và các doanh nghiệp dầu khí phụ trợ để phát triển đầy đủ các ngành như phân phối kinh doanh sản phẩm hóa dầu, xây dựng hệ thống cảng, tổng kho phân phối các sản phẩm khí hóa lỏng, sản phẩm hóa dầu… Đặc biệt, sẽ xây dựng khu chế biến khí và cung cấp khí hóa lỏng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện, khu công nghiệp trong vùng theo đúng định hướng phát triển năng lượng xanh của Chính phủ.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã lắng nghe và bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp của Petrovietnam đối với tỉnh trong nhiều năm qua. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, cách đây hơn chục năm Thanh Hóa vẫn cách mục tiêu tham gia vào nhóm các tỉnh có tổng thu ngân sách 5 ngàn tỉ rất xa. Nhưng với sự quan tâm đầu tư của Petrovietnam và hoạt động tích cực của các đơn vị trực thuộc, từ một tỉnh nghèo đến nay Thanh Hóa đã thu ngân sách tới gần 29 ngàn tỉ đồng; đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ là tỉnh tự cân đối được thu chi và có đóng góp trở lại cho Trung ương.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, Nghi Sơn đã mời gọi được “đại bàng” về làm tổ nhưng để đại bàng tiếp tục đẻ trứng, mở rộng quy mô là cả một vấn đề. Chúng tôi rất mong muốn Petrovietnam nhanh chóng trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, các danh mục đầu tư kho cảng để sau Nhà máy Lọc dầu là hệ thống các nhà máy công nghiệp hỗ trợ khâu sau, để Nghi Sơn chính thức trở thành trung tâm Lọc hóa dầu quốc gia.
Bí thư Đỗ Trọng Hưng khẳng định: “Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cam kết tạo điều kiện tốt nhất và thuận lợi nhất về mặt bằng, giao thông, thủ tục hành chính… cho Petrovietnam và các đối tác đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng Petrovietnam, mục tiêu của Tập đoàn cũng là mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh”.
Có thể thấy rằng, phát triển Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn trở thành trung tâm Lọc hóa dầu hoàn chỉnh không chỉ phù hợp với quy luật đầu tư về dầu khí mà còn là hạt nhân phát triển kinh tế địa phương. Đây là vấn đề ích nước lợi dân không chỉ cần sự nỗ lực từ phía Chính quyền, nhà đầu tư mà còn phải có sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp Bộ, ngành Trung ương.
Nguồn tin: PetroTimes