2008, sản lượng dầu khí khai thác 15 triệu tấn, nhưng doanh thu chỉ đạt 11,5 tỷ USD. 2009, chỉ tiêu khai thác 16 triệu tấn dầu, mà dự kiến doanh thu chỉ trên 5 tỷ USD.
Dầu khí là ngành kinh tế chủ lực của đất nước, đóng góp khoảng 25% vào GDP và nộp ngân sách chiếm gần 30% tổng thu ngân sách cho đất nước.
Tuy nhiên, “cơn bão” khủng hoảng toàn cầu xảy ra đã gây cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) hậu quả hết sức nặng nề. Làm gì để ngành dầu khí vượt qua suy thoái kinh tế?
Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã trao đổi về những giải pháp mà Petrovietnam thực hiện trong năm 2009.
Thưa ông, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng thế nào đến Petrovietnam?
Petrovietnam chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề. Nguồn thu của ngân sách đất nước thất thu lớn, bởi giá dầu thô từ “đỉnh” trên 147USD/thùng, chỉ sau 4 tháng dầu thô rơi tự do xuống nhanh, giảm trên 70% về giá.
Giá dầu giảm, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của PetroVietnam giảm rất lớn. Năm 2008, sản lượng dầu khí khai thác 15 triệu tấn, nhưng doanh thu chỉ đạt 11,5 tỷ USD.
Năm 2009, chỉ tiêu phấn đấu khai thác 16 triệu tấn dầu, mà dự kiến doanh thu chỉ trên 5 tỷ USD.
Đấy là tính giá dầu khoảng 60USD/thùng, nếu xuống thấp 30 - 36USD thì chưa thể lường hết được sự suy giảm về doanh thu. Do tính toán doanh thu giảm đến hơn một nửa, cho nên chúng tôi phải xem xét lại toàn bộ danh mục đầu tư, chi phí... để làm sao vượt qua năm 2009.
Chính phủ đã kịp thời có 5 nhóm giải pháp cấp bách về ngăn chặn suy thoái kinh tế. PetroVietnam sẽ thực hiện cả 5 nhóm giải pháp hay có bước đi riêng?
Tôi nghĩ, từng doanh nghiệp, từng tập đoàn, từng tổng công ty căn cứ vào tác động của cuộc khủng hoảng để đề ra các nhóm giải pháp cho riêng mình, chứ không thể tất cả doanh nghiệp đều áp dụng chung, vì giải pháp của ngành dầu khí khác với ngành điện lực, khác với giải pháp của ngành than - khoáng sản.
Trên cơ sở đó, Petrovietnam đã đưa ra 10 nhóm giải pháp, chương trình rất cụ thể và chi tiết để thực hiện trong năm 2009.
Ông suy nghĩ thế nào về sử dụng gói kích cầu của Chính phủ. Theo ông, suy thoái kinh tế có phải là cơ hội tốt để chúng ta xác định điều chỉnh lại cơ cầu kinh tế?
Trong những nhóm giải pháp của Chính phủ đưa ra có một gói kích cầu 1 tỷ USD. Thực sự nhóm kích cầu đưa ra, nhằm mục đích ngăn chặn hiệu quả giảm phát.
Tuy nhiên, theo tôi thực hiện những nhóm giải pháp, đặc biệt nhóm kích cầu đầu tư trong lúc này là phải cơ cấu lại nền kinh tế cho thật phù hợp thì mới bảo đảm tính bền vững, có tác dụng lâu dài, bảo đảm vượt qua năm 2009, nhưng đồng thời bước sang năm 2010, năm 2011… khi nền kinh tế thế giới phục hồi thì lúc đó cơ cấu kinh tế của chúng ta đã được thay đổi theo hướng tích cực.
Theo hướng ấy, tôi nghĩ bây giờ doanh nghiệp nào khó khăn, nhưng có xu hướng phát triển thì phải “cứu” để nó “khỏe” lên.
Nhất là nên tập trung “cấp cứu” những doanh nghiệp làm nhiệm vụ xuất khẩu, thúc đẩy được sản xuất trong nước, mở rộng được thị trường.
Thế nhưng, những doanh nghiệp có “bơm” thuốc đặc hiệu cũng không thể qua khỏi ốm yếu, quặt quẹo thì thôi không nên cứu nữa…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu khi trả lời phỏng vấn đã nhấn mạnh, xuất khẩu là nhiệm vụ nặng nề khó nhất của Ngành Công Thương trong năm 2009. Vậy Petrovietnam làm gì để thúc đẩy xuất khẩu?
Năm 2009, Petrovietnam giảm kim ngạch xuất khẩu dầu thô, do giá xuống quá thấp và một lượng dầu thô phải đưa vào Nhà máy lọc Dung Quất.
Để bù lại sự thiếu hút của xuất khẩu dầu thô, Petrovietnam đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu bằng các hoạt động dịch vụ cho các nhà thầu nước ngoài.
Ví dụ ký hợp đồng với một số nhà thầu dầu khí nước ngoài, đẩy mạnh sản xuất cơ khí trong nước. Nếu cứ làm như trước đây, các chân đế giàn khoan và nhiều thiết bị quan trọng đều thuê nước ngoài để sản xuất, thì năm 2009, Petrovietnam sản xuất tại trong nước và xuất khẩu tại chỗ cho họ với giá trị 300 triệu USD.
Hay chi phí hoa hồng trả cho Vênêzuêla khoảng 300 triệu USD, cũng trả bằng hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam. Làm như vậy vừa bảo đảm kim ngạch xuất khẩu của Petrovietnam, lại vừa thúc đẩy được sản xuất trong nước.
Năm 2009, Tập đoàn chúng tôi cũng báo cáo với Chính phủ và Bộ Công Thương cho thí điểm xuất khẩu đạm Urê, để chuẩn bị thị trường khi có thêm đạm Cà Mau, bởi đạm Urê của Petrovietnam có giá cạnh tranh, lại có thị trường, thì mình phải tranh thủ xuất khẩu, cũng giống như hàng vật tư, có thể lúc này nhập khẩu, lúc khác lại xuất khẩu …
Nhiều người nói, trong điều kiện suy thoái kinh tế cũng là cơ hội để đầu tư những dự án lớn cho tăng trưởng sau khi “cơn bão” khủng hoảng đi qua. Petrovietnam tranh thủ cơ hội này như thế nào, nhất là đầu tư “tìm lửa” ở ngoài nước?
10 giải pháp riêng của Petrovietnam đưa ra, mỗi giải pháp chúng tôi đều phân tích rất chi tiết những khó khăn và thuận lợi. Ví như khi phân tích giá dầu thô xuống, cũng có thuận lợi cho việc đầu tư của ngành dầu khí.
Nếu lúc này tận dụng được thời cơ và lo được tiền thì Petrovietnam dễ dàng mua được nhiều mỏ dầu khí ở nước ngoài, nhất là ở những nước lâu nay chúng tôi chưa “vào” được …
Năm 2008, Petrovietnam đã ký được hợp đồng với Venezuela, đây là một dự án rất lớn, chúng tôi đang tích cực thúc đẩy để triển khai sớm.
Các dự án với Liên bang Nga cũng như vậy. Vừa qua, Tổng giám đốc Trần Ngọc Cảnh làm trưởng đoàn đã họp hội đồng quản trị phiên thứ nhất với bạn để triển khai, đẩy nhanh tốc độ khai thác.
Đấy cũng là hình thức mua mỏ.
Đồng thời, chúng tôi cũng đang đẩy nhanh các dự án ở Nam Mỹ và ở Châu Phi như Angiêri, Tuynidi, rồi dự án các nước trong khu vực như Malaixia, Inđônêxia… cũng đang được đẩy nhanh để sớm thu sản phẩm.
Chúng tôi cũng đang đi xem xét những mỏ đang khai thác, hoặc đang có trữ lượng để xem có cơ hội có thể đẩy mạnh mua ở nước ngoài…
Ở trong nước, nếu những nhà thầu dầu khí nước ngoài nào chần chừ về đầu tư thì Petrovietnam sẽ mua ngay...
(CafeF)