Việc trước mắt là phải thẩm định, đánh giá lại toàn bộ tính khả thi, tính hiệu quả của dự án, trên cơ sở đó sẽ quyết định tiếp...
Khó hiểu...
Cũng cho rằng, không thể dễ dàng đề xuất xây dựng một dự án cả tỷ USD rồi nói xin rút một cách nhẹ tênh như Dự án lọc hoá dầu Nam Vân Phong, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cho rằng phải làm minh bạch để tránh tạo ra tiền lệ xấu.
Thêm nhà máy nhưng phải hiệu quả. Ảnh minh họa: baokhanhhoa
Cụ thể, theo đề xuất của chủ đầu tư là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xin dừng dự án lọc hóa dầu Nam Vân Phong (cũng chính là đơn vị xây dựng, lập dự án, kêu gọi đầu tư và bây giờ lại xin dừng dự án) vì "thiếu vốn".
Vị PGS cho rằng, việc xem xét, đánh giá thận trọng một dự án trước khi đưa ra quyết định có tiếp tục đầu tư hay phải dừng dự án là cần thiết, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, cùng với đó cũng phải xem xét thận trọng những lý do nhà đầu tư muốn dừng dự án này là gì, có thuyết phục hay không, lại là vấn đề khác.
"Chủ đầu tư giải thích muốn dừng dự án vì lý do tài chính thì hơi khó hiểu.
Tôi băn khoăn, khi xây dựng đề án thực hiện dự án này, Petrolimex dự kiến nguồn vốn ra sao? Lấy vốn từ đâu? Quy trình thẩm định dự án thực hiện thế nào? Có vấn đề gì thay đổi khiến dự kiến về nguồn vốn đầu tư bị thay đổi theo? Phải làm cho rõ", PGS Nguyễn Văn Ngãi nói.
" Chúng ta đang tiến tới cơ chế thị trường, một nền kinh tế thị trường thì không thể cứ ngồi chờ ưu đãi được. Không thể lấy ưu đãi để làm lợi cho dự án. Petrolimex cũng là một doanh nghiệp kinh doanh, do đó, khi đề xuất thực hiện dự án thì phải nhìn vào hiệu quả của dự án này.", vị PGS chỉ rõ.
Rắc rối cũng phải làm minh bạch
Vấn đề tiếp theo liên quan tới việc Petrolimex đã bán 8% cổ phần của tập đoàn cho Tập đoàn JX Nippon Oil & Energy (Nhật Bản) nhằm tăng nguồn vốn, thúc đẩy tiến độ dự án nhưng sau đó Petrolimex lại bất ngờ xin rút, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng xử lý việc này rất rắc rối.
"Petrolimex bán 8% vốn, thông tin từ lãnh đạo Petrolimex còn cho biết, JX NOE không chỉ muốn tham gia đầu tư mà còn là cổ đông chính của dự án này. Nếu nhà đầu tư nước ngoài đã có ý đồ như vậy, việc đàm phán hoàn lại vốn cũng vô cùng rắc rối.
Tôi lưu ý, dù có rắc rối, thiệt hại cũng phải giải quyết tới nơi, tới chốn. Nếu định bán thẳng dự án cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thì phải cân nhắc vì đây là lĩnh vực liên quan tới an ninh năng lực, là ngành liên quan tới khai thác tài nguyên quốc gia. Vì thế, giao quyền khai thác tài nguyên quốc gia cho đối tác nước ngoài là phải rất thận trọng", PGS Nguyễn Văn Ngãi cảnh báo.
"Tại sao một dự án có nguồn vốn khổng lồ lên tới 6-7 tỷ USD mà có thể nói làm là làm, dừng là dừng được ngay? Rõ ràng có trách nhiệm của cơ quan thẩm định chưa làm hết trách nhiệm, chưa đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi của dự án. Nhất là về nguồn lực, nếu không tính trước được, tại sao lại đồng ý cho nhà đầu tư thực hiện dự án?
Tôi lưu ý, dù dự án chưa bắt đầu nhưng dự án đã phải chi trả cho công tác xây dựng, lập dự toán, chí phí cho công tác thẩm định, đánh giá một số tiền không nhỏ. Như vậy, nếu dừng dự án cũng có nghĩa nhà nước đã bỏ phí một khoản tiền vô nghĩa.
Việc trước mắt là phải thẩm định, đánh giá lại toàn bộ tính khả thi, tính hiệu quả của dự án, trên cơ sở đánh giá sẽ quyết định có tiếp tục thực hiện dự án hay không, vị PGS nói rõ.
"Nhu cầu phát triển thêm nhà máy, tăng khả năng khai thác, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, giảm tỉ lệ nhập khẩu, hạn chế xuất dầu thô tiến tới tụ chủ nguồn cung năng lượng phục vụ trong nước là cần thiết nhưng phải có công nghệ, kỹ thuật cao, trình độ khai thác, quản lý phải tốt.
Tuy nhiên, thực tế thì, các nước nhập dầu của VN về xử lý rồi bán lại cho VN mà vẫn lãi, trong khi VN chỉ việc khai thác lên rồi bán mà vẫn kêu lỗ. Đây là câu hỏi phải trả lời cho bằng được", vị PGS nhận xét.
Nguồn tin: baodatviet.vn