Petrolimex vẫn là DNNN và vẫn hưởng đầy đủ những cơ chế, ưu đãi của ngân sách đối với một vị thế của trụ cột của nền kinh tế.
'Vẫn một mình một ngựa'
PGS, TS Phạm Quý Thọ - Học viện chính sách công thẳng thắn nêu quan điểm trước tuyên bố của lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam khi cho rằng: "không sử dụng đồng ngân sách Nhà nước nào, không nhận ưu đãi về tài sản được hình thành từ nguồn nhà nước trong suốt gần 30 năm qua, không cần ưu đãi mang tính chất đặc thù”...
Xăng dầu là ngành kinh doanh chiến lược nhưng đóng góp thì tí ti. Ảnh minh họa
Có 5 lý do được ông Thọ dẫn làm minh chứng:
Thứ nhất, Petrolimex tiền thân là DNNN, do vậy bản thân doanh nghiệp này đã được hưởng đầy đủ rất nhiều ưu đãi từ về vốn, cơ chế hoạt động tới cơ sở hạ tầng.
Thứ hai, dù nói điều hành xăng dầu đang theo cơ chế thị trường có định hướng của nhà nước và thực tế thì ngành xăng dầu hiện nay cũng đang có khá đông đảo nhà nhập khẩu và bán lẻ xăng dầu ngoài Petrolimex.
Tuy nhiên, Petrolimex vẫn đang chiếm gần 50% thị phần ngành xăng dầu toàn quốc. Như vậy, dù mang danh là không độc quyền mà chỉ là “thống lĩnh thị trường”, nhưng thật ra Petrolimex vẫn luôn ở thế độc quyền.
Chính vị trí thống lĩnh thị trường và nhiều ưu thế đặc lợi của vị thế độc quyền đã góp phần tạo kẽ hở và điều kiện dễ phát sinh tiêu cực cho doanh nghiệp. Điển hình như việc bán giá nội bộ, cạnh tranh thiếu bình đẳng, gây ảnh hưởng tiêu cực và thậm chí là thiệt hại cho các doanh nghiệp nhỏ hơn trên thị trường do cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ ba, sự ưu ái thể hiện rõ trong cơ chế điều hành giá xăng giúp doanh nghiệp thu lợi hàng nghìn tỉ, người tiêu dùng bị thiệt. Cụ thể, xăng được nhập về chỉ nộp thuế nhập khẩu 5-10%, còn dầu chỉ 0-5% nhưng mức thuế để tính giá bán đến người tiêu dùng hai mặt hàng này là 10 và 20%.
Chính nhờ khoản chênh lệch này, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã “thoát lỗ”, thậm chí đạt lợi nhuận khá lớn. Riêng với Petrolimex, theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 đã đạt mức lợi nhuận trước thuế lên tới 3.766 tỉ đồng, tăng hơn 3.400 tỉ so với năm trước đó, dù giá xăng dầu trong năm qua liên tục giảm mạnh.
Thứ tư, việc cho phép thành lập quỹ bình ổn xăng dầu nhưng lại không có cơ chế quản lý, sử dụng công khai, minh bạch đã tạo kẽ hở cho thất thoát, tham nhũng.
Bởi thực tế, việc trích lập quỹ bình ổn thực chất người tiêu dùng đã phải mua đắt giá xăng cho thời điểm trích lập quỹ, để rồi được trả lại số tiền đó nhờ mua xăng dầu với giá "rẻ" hơn khi "xả" Quỹ.
Cảnh "mượn đầu heo nấu cháo" này khiến người tiêu dùng, luôn phải chịu thiệt thòi do phải trích quỹ dự phòng "kiểu cho vay không lãi" với số tiền không nhỏ (4.000 tỷ đồng). Cuối cùng, chỉ doanh nghiệp được lợi còn người tiêu dùng chịu cảnh thiệt đơn, thiệt kép.
Cuối cùng, lấy lý do Petrolimex nắm giữ việc kinh doanh mặt hàng chiến lược của nền kinh tế là xăng dầu nên dù thực hiện cổ phần hóa thì nhà nước vẫn đang nắm giữ cổ phần chi phối. Như vậy, có thể những cơ chế, chính sách về vốn, cơ sở hạ tầng, con người.... không được như trước nhưng vẫn có sự tham gia trực tiếp từ nguồn vốn của ngân sách ở doanh nghiệp này. Việc một doanh nghiệp đã được đầu tư sẵn mọi thứ mà chỉ việc nhập xăng dầu về để bán thì đấy không phải lợi thế thì là gì?
Bên cạnh đó, câu chuyện nhập nhèm giữa nhiệm vụ chính trị, xã hội với nhiệm vụ phát triển cũng là kẽ hở giúp nhiều DNNN tìm kiếm cơ hội trục lợi từ chính sách.
Từ những dẫn chứng trên, PGS, TS Phạm Quý Thọ - nói thẳng việc phủ nhận những quyền lợi từ nhà nước của Petrolimex là khó chấp nhận.
Đồng tình với những phân tích trên, PGS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD bức xúc:
"Petrolimex là DNNN lớn đang nắm giữ việc kinh doanh mặt hàng chiến lược của nền kinh tế là xăng dầu đã được nhà nước bảo hộ suốt từ khi thành lập cho tới bây giờ, lại được hưởng lợi thế độc quyền "một mình một ngựa", còn rất nhiều những chính sách về đầu tư, góp vốn khác... mà lại nói không sử dụng một đồng ngân sách, không cần ưu đãi từ 30 năm nay là vô lý".
Vị PGS nói thẳng, đó là lời nói chỉ dành cho người không hiểu gì về ngành xăng dầu thôi, còn với giới chuyên môn đó là lời tuyên bố không thuyết phục, không nhận được sự đồng thuận.
Đặc thù thì nhiều vấn đề
Tiếp tục phân tích, PGS, TS Phạm Quý Thọ cho hay, ngoài những lợi thế mà một DNNN đương nhiên được hưởng thì quá trình chuyển đổi một DNNN sang cổ phần hóa cũng còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ.
Ví dụ như tài sản cố định của doanh nghiệp đã được tính đúng, tính đủ hay chưa? Khấu hao, sở hữu nhà nước định giá thế nào...? Rất nhiều vấn đề không thể đo đếm được vai trò của nhà nước đối với những DNNN, cụ thể là Petrolimex.
PGS.TS Đặng Đình Đào thì nói thẳng đó chính là tiền của ngân sách. "Tài sản cố định của Petrolimex lớn hơn bất cứ ngành nào khác. Tất cả là tiền ngân sách. Petrolimex nói không dùng tiền ngân sách là... quá nhẫn tâm", vị PGS thẳng thắn.
PGS nói, xăng dầu là ngành vật tư chiến lược, có vai trò rất quan trọng, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhưng Petrolimex luôn khiến dân phải than phiền.
"Nếu không hiểu đó là tiền ngân sách thì cũng chỉ có thể hiểu là thủ thuật hưởng lợi từ ngân sách mà thôi", vị PGS cho biết.
Nguồn tin: Baodatviet