Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 với kết quả kinh doanh ấn tượng. Thị giá và thanh khoản cổ phiếu của doanh nghiệp (DN) này trên sàn OTC tăng mạnh trong nửa cuối năm 2016 và đầu năm 2017.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế năm 2016 của Petrolimex đạt 6.300 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Kết quả ấn tượng
Chi phối khoảng 55% thị phần kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam, Petrolimex là DN đầu ngành có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật lớn nhất tại Việt Nam. Cụ thể, DN này vận hành hơn 2.352 cửa hàng và 5.000 đại lý được xây dựng tại các vị trí thuận lợi trên khắp cả nước. Tính đến thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của Petrolimex đạt 54.238 tỷ đồng. Doanh thu thuần hợp nhất năm 2016 đạt 123,097 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2015 và chỉ bằng 61,3% so với doanh thu năm 2012. Theo báo cáo hợp nhất được Petrolimex công bố, lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế năm 2016 đạt 6.300 tỷ đồng (tăng 68% so với năm 2015), mức cao nhất từ trước đến nay.
Qua việc phân tích một số chỉ tiêu tài chính, có thể nhận thấy nhân tố tích cực tạo nên sự chuyển biến này đến từ giá vốn hàng bán. Mặc dù doanh thu sụt giảm mạnh trong 5 năm qua, nhưng biên lợi nhuận gộp của Petrolimex lại tăng mạnh từ mức 3,46% trong năm 2012 lên 8,74% năm 2015 và đạt 11,48% vào năm 2016.
Ngoài sự cải thiện tích cực từ biên lợi nhuận của hoạt động kinh doanh cốt lõi, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrolimex năm 2016 còn có sự đóng góp không nhỏ từ các khoản đầu tư khác (kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng), sự ổn định của giá dầu và tỷ giá USD/VND thời gian qua.
Do đặc thù của ngành nghề kinh doanh, Petrolimex phải nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu từ hơn 50 nhà cung cấp trên toàn cầu. Vì vậy, Tập đoàn luôn phải sử dụng các công cụ trên thị trường phái sinh trong nước và thế giới để phòng ngừa các rủi ro liên quan đến tỷ giá USD/VND và giá dầu. Những công cụ này như con dao hai lưỡi ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận từ hoạt động tài chính của Tập đoàn. Cụ thể, Petrolimex phải ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 1.791 tỷ đồng từ hoạt động tài chính trong năm 2015 chủ yếu đến từ: lỗ chênh lệch tỷ giá 842 tỷ đồng; lỗ từ công cụ phái sinh 884,17 tỷ đồng do sự sụt giảm mạnh của giá dầu và đồng Việt Nam đã mất giá 5,34% trong năm 2015. Bước sang năm 2016, với sự ổn định của giá dầu và tỷ giá USD/VND, Petrolimex ghi nhận khoản lãi hơn 60 tỷ đồng do không phải chịu sức ép từ hai khoản mục này.
Được giá, cổ đông nội bộ tranh thủ chốt lời
Nhờ kết quả kinh doanh đột biến, kế hoạch niêm yết trong quý I/2017 và đặc biệt là việc phát hành thành công cho đối tác chiến lược JX Nippon Oil & Energy (chiếm 8% vốn điều lệ) hồi tháng 9/2016 với mức giá 39.000 đồng/CP đã tạo nên làn sóng “đẩy” giá cổ phiếu Petrolimex trên OTC. Hiện tại, cổ phiếu của DN này đang được giao dịch quanh vùng giá 42.000 đồng/CP tương ứng với hệ số P/E cơ bản là 10. Với lợi thế sở hữu cổ phiếu ở mức giá thấp (giá đấu thành công trung bình khi IPO là 15.032 đồng/CP) cùng với lợi thế thông tin, hàng loạt cổ đông nội bộ nắm giữ các chức vụ quan trọng như Ủy viên HĐQT, ban lãnh đạo, Kế toán trưởng, thành viên ban kiểm soát đều lần lượt đăng ký bán chốt lời cổ phiếu tại thời điểm chốt báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2016. Điều này khá là dễ hiểu khi giá trị khoản đầu tư đã tăng 279% trong vòng 5 năm sở hữu.
Mặc dù có thuận lợi phản ánh qua kết quả kinh doanh tích cực, nhưng Petrolimex không phải không có khó khăn. Đó là việc Petrolimex đang dần mất đi vị thế độc quyền về kinh doanh xăng dầu. Miếng bánh thị phần sẽ phải san sẻ do sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ truyền thống (PV Oil, Saigon Petro) và đặc biệt là Idemitsui Q8 (liên doanh giữa Idemitsui Kosan và Dầu khí Kuwait ), công ty vừa được cấp phép phân phối và bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, khoản đầu tư ngoài ngành hơn 2.255 tỷ đồng vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản được xử lý ra sao để bảo đảm không mất vốn cũng là thách thức rất lớn.
Nguồn tin: Baodauthau