Petrolimex, tập đoàn phân phối bán lẻ xăng dầu lớn nhất VN sẽ chào sàn HoSE vào tháng 4/2016. Với đà hồi phục của giá dầu kể từ đầu năm, hàng mới của nhóm ngành dầu khí có thật sự hấp dẫn?
Sau hơn 5 năm cổ phần hóa, Petrolimex dự kiến sẽ lên sàn niêm yết lớn nhất VN, HoSE với mã chứng khoán được cấp PLX.
Tạo đột biến nhờ lợi thế độc quyền?
Tập đoàn có 41 Cty thành viên, 34 Chi nhánh và Xí nghiệp trực thuộc các Cty thành viên 100% vốn Nhà nước, 23 Cty cổ phần có vốn góp chi phối của Tcty, 3 Cty Liên doanh với nước ngoài và 1 Chi nhánh tại Singapore. Đối tác chiến lược chính là tập đoàn năng lượng Nhật Bản JX Nippon Oil and Energy (JX NOE) với tỷ lệ sở hữu vỏn vẹn 8%.
Lĩnh vực kinh doanh chính của Petrolimex là xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc – hóa dầu, đầu tư vốn vào các DN khác để kinh doanh các ngành nghề mà Petrolimex đang kinh doanh và các ngành nghề kinh doanh khác. Lĩnh vực kinh doanh chính là xăng dầu đóng góp tới 86% doanh thu và 75% lợi nhuận gộp của Petrolimex, với nguồn thu đến từ 43/69 đơn vị thành viên đang trực tiếp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn 62/63 tỉnh, thành phố. Mạng lưới bán lẻ với nền tảng mạnh, rộng khắp với hơn 2.300 cửa hàng trong cả nước và hơn 4000 đại lý xăng dầu. Theo số liệu thực tế hơn 50% thị phần đã thuộc về tay Petrolimex. Đây là 1 lợi thế lớn có giá trị xuyên suốt từ lịch sử hình thành của tập đoàn với 60 năm qua, đặc biệt khi Petrolimex dù đã cổ phần hóa vẫn có chủ sở hữu chính là Bộ Công Thương và họ kinh doanh xăng dầu theo quan điểm “giữ vai trò chủ đạo trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ”.
Tuy nhiên, lợi thế độc quyền này liệu có còn giữ mãi được hay không khi Petrolimex lên sàn, tiến đến giảm tỷ lệ sở hữu của đại diện vốn Nhà nước – đồng nghĩa rời khỏi “vòng tay mẹ” và bắt buộc cạnh tranh thi đấu trên thị trường bán lẻ, phân phối xăng dầu cùng các nhà kinh doanh lớn khác đã, đang đổ bộ vào VN.
41.000 đồng/cổ phiếu là mức giá chào sàn của PLX và với mức giá này, giá trị DN sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, theo dự báo của Cty chứng khoán SSI.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Saigon Petro và PV Oil trong những năm qua trước mắt cũng đã tạo áp lực đe dọa thị phần của Petrolimex. Đối thủ nặng kí khác còn có nhà đầu tư Nhật đã được cấp phép bán lẻ xăng dầu lẫn người Thái, Tập đoàn SCG vừa chi tới 36,1 triệu USD để nâng tỷ lệ sở hữu tại Cty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP), chủ đầu tư dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu). Chắc chắn, so với sức hấp dẫn của một cổ phiếu lợi thế độc quyền, giá trị của Petrolimex sẽ bị “pha loãng” ít nhiều khi những đối thủ cạnh tranh ngày càng nhiều hơn và các nhà đầu tư chiến lược có kinh doanh cùng ngành nghề có thể sẽ không mặn mà chọn cách qua cửa Petrolimex để tiến đến khai thác chung trên thị trường như trước đây.
Giá dầu hồi phục , nhưng không phải là động lực “đòn bẩy”
Thời điểm Petrolimex lên sàn dự kiến vào tháng 4/2016 , thì giá dầu thế giới vẫn sẽ tiếp tục đà hồi phục tốt. Thị trường đã chứng kiến cú rớt thảm của DN ngành dầu khí, song hành cùng giá dầu lần lượt xuyên thủng các đáy trước đây. Theo lý thuyết giản đơn, như vậy, hễ giá dầu tăng lên, DN ngành dầu khí đều sẽ có cơ hội tăng trưởng kinh doanh, giá cổ phiếu cũng vực dậy.
Song soi xét kỹ thì không đơn thuần như vậy. Năm 2017, theo dự báo của nhiều định chế tài chính, giá dầu thô kì vọng sẽ hồi phục mức 58-60 USD/ thùng, từ mức “ngưỡng tâm lý” 50 USD/ thùng vào cuối năm 2016. Nhưng điều này sẽ chỉ đúng là động lực “đòn bẩy” hồi sinh các DN dầu khí thượng nguồn – những nhà khai thác và cho thuê dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất thượng nguồn.
Ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng Nghiên cứu – Phân tích Cty chứng khoán KIS cho rằng, nếu giá dầu tiếp tục khởi sắc, đây vẫn sẽ là yếu tố tích cực nâng đỡ cổ phiếu ngành dầu khí nói chung, đặc biệt là nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư trong sự quan tâm nhóm cổ phiếu ngành này. “Nếu thị trường quốc tế không có nhiều biến động, OPEC giữ đúng cam kết cắt giảm sản lượng, giá dầu sẽ tích cực nhưng chưa thể trở lại thời hoàng kim. Dù vậy, các cổ phiếu dầu khí như PVD, PVS đều sẽ tích cực hơn. Với Petrolimex, do họ là DN dầu khí hạ nguồn (tập trung ở khâu kinh doanh phân phối bán lẻ) nên giá dầu lên hay xuống không tác động nhiều. Nhà đầu tư sẽ không xem xét giá dầu lên như một yếu tố lợi thế của Petrolimex”, ông Viễn nói.
Ai quan tâm đến PLX?
Theo Trưởng phòng Nghiên cứu Phân tích Cty chứng khoán KIS, xét về mặt rủi ro, do không quá phụ thuộc vào biến động giá nguyên liệu – hàng hóa, Petrolimex ít chịu rủi ro khách quan. Dù vậy, phân tích kỹ một số các yếu tố, có thể thấy với đặc thù kinh doanh hạ nguồn, biên lợi nhuận của doanh nghiệp khá mỏng (ước khoảng 3-5%).
Ngoài ra, Petrolimex còn có những khoản đầu tư đa ngành hàng nghìn tỷ cần được thoái vốn, thu hồi theo lộ trình. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ được công bố đầu năm 2016, cho thấy ngoài ngành nghề kinh doanh chính, Petrolimex đã đầu tư hơn 2.255 tỷ đồng vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Trong đó, có những khoản đầu tư giá trị lớn không đúng quy định, như việc rót thêm 400 tỷ đồng vào PG Bank, hơn 171 tỷ đồng vào bảo hiểm hay đầu tư 51 tỷ đồng vào bất động sản không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó Tập đoàn này còn sử dụng sai nguồn vốn đầu tư kinh doanh hơn 646 tỷ đồng, cho các đơn vị thành viên vay dài hạn. Petrolimex cũng có một số khoản đầu tư vào các DN khác cũng có nguy cơ thua lỗ và mất vốn.
Như vậy, áp lực phải thoái vốn đa ngành hoặc bị xóa nợ mất vốn ở những khoản đầu tư thua lỗ đều là những rủi ro có thể phát sinh và bào mòn bớt lợi nhuận của Petrolimex. “Những nhà đầu tư dài hạn, tổ chức chắc chắn sẽ quan tâm cổ phiếu PLX trên quan điểm cổ phiếu ngành một lĩnh vực đặc biệt, song việc liệu có cạnh tranh cùng mua và mua tiếp hay mua được cổ phần mà PLX đang kì vọng bán cho nhà đầu tư ngoại, với đối tác Nhật hiện hữu của DN, là một câu chuyện khác. Tích lũy và chờ thời cơ thay cho kì vọng đầu tư tăng trưởng có lẽ sẽ là chiến lược phù hợp với khẩu vị của những nhà đầu tư trường vốn, hấp thụ được một phần PLX. Vấn đề còn nằm ở chỗ họ định giá như thế nào, mức giá nào là phù hợp”, một chuyên gia đánh giá.
Nguồn tin: Enternews