PetroChina công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận lỗ 4,36 tỷ USD so với lợi nhuận 4,13 tỷ USD cùng kỳ năm 2019.
Doanh thu giảm 22% xuống còn 135,2 tỷ USD, sản lượng khai thác dầu khí tăng 7% lên 833 triệu boe (4,62 triệu bpd), trong đó dầu thô tăng 5,2% lên 475 triệu thùng, khí đốt tăng 9,4% lên 61 tỷ m3 (61% sản lượng khí cả nước), khối lượng tinh chế giảm 4,9% xuống 568 triệu thùng, đầu tư cơ bản giảm 11% xuống còn 10,9 tỷ USD (cả năm giảm 23% xuống 33,22 tỷ USD).
PetroChina có kế hoạch giữ nguyên khối lượng nhập khẩu LNG trong 6 tháng cuối năm 2020 ở mức 30,5 tỷ m3 sau khi chuyển giao toàn bộ cơ sở hạ tầng khí (đường ống, kho chứa, terminal) đổi lấy 29,9% cổ phần PipeChina. Nhập khẩu khí và tinh chế là hai mảng hoạt động thua lỗ của công ty trong nửa đầu năm 2020, tinh chế ghi nhận lỗ gần 2 tỷ USD so với lãi 400 triệu USD năm ngoái do giá xăng dầu giảm, giá nguyên liệu đầu vào cao. Ngoài ra, Trung Quốc áp dụng cơ chế bình ổn giá bán lẻ xăng dầu tương ứng giá dầu thế giới trong biên độ từ 40 - 130 USD/thùng, khi giá dầu dưới 40 USD/thùng, doanh nghiệp nộp phần chênh lệch vào quỹ bình ổn. Nhập khẩu LNG mang lại khoản lỗ 1,72 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần so với năm ngoái. PetroChina có kế hoạch đạt mức trung hòa khí thải CO2 đến năm 2050, tăng mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2021-2025 ở mức 430 - 730 triệu USD/năm, sau đó sẽ tăng gấp đôi.
Ngày 28/8, sàn giao dịch dầu khí Thượng Hải (SHPGX) đưa vào hoạt động thử nghiệm nền tảng giao dịch LNG trực tuyến quốc tế. Tại phiên giao dịch đầu tiên, Sinopec và CNOOC mua 130.000 tấn LNG của các đối tác nước ngoài. Việc Trung Quốc thành lập công ty PipeChina (China Oil & Gas Pipeline Network Corporation), đã đẩy mạnh cải cách thị trường dầu khí nội địa, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh LNG trực tuyến trong nước và quốc tế. Nếu SHPGX thử nghiệm thành công, Trung Quốc sẽ có thêm một công cụ ép giá trong quá trình nhập khẩu khí đốt.
Nguồn tin: petrotimes.vn