Sau 11 cuộc họp vào năm 2021 để quản lý một thị trường dầu thất thường, OPEC và các đồng minh do Nga dẫn đầu dường như sẽ không có thời gian nghỉ ngơi vào năm 2022, vì đại dịch corona và vấn đề địa chính trị khiến các Bộ trưởng luôn phải sẵn sàng cho những tình huống có thể xảy ra.
Vào tháng 10, liên minh OPEC+ hy vọng sẽ hoàn tất việc đưa trở lại mức cắt giảm sản lượng kỷ lục được thực hiện vào giữa năm 2020, với kế hoạch nâng dần hạn ngạch lên 400.000 thùng/ngày vào mỗi tháng.
Tuy nhiên, biến thể omicron ngày càng lây lan nhanh có thể cản trở việc này và trong tương lai xa hơn nữa, các đợt giải phóng kho dự trữ dầu mỏ chiến lược được Mỹ và các nước tiêu thụ dầu quan trọng khác lên kế hoạch cũng như thỏa thuận hạt nhân Iran tiềm năng sẽ đặt ra những cân nhắc về nguồn cung cho các thành viên OPEC+.
OPEC+, kiểm soát khoảng một nửa nguồn cung dầu toàn cầu và đã đánh dấu 5 năm hợp tác vào tháng 12, sẽ phải tiếp tục điều chỉnh chính sách sản xuất của mình thông qua các cuộc họp hàng tháng, đồng thời quản lý các xung đột nội bộ về thị phần mà đã có lúc trở nên căng thẳng.
Ehsan Kohman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi của ngân hàng đầu tư MUFG cho biết: “OPEC+ sẵn sàng tạm dừng hoặc cắt giảm nếu các điều kiện đảm bảo cho họ làm như vậy. Điều rõ ràng là có một đám mây bất ổn khổng lồ đang bao trùm lên thị trường dầu mỏ toàn cầu với sự biến động tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2020”.
Cuộc họp OPEC+ tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 04 tháng 1, mặc dù các Bộ trưởng vẫn để ngỏ tại cuộc họp gần đây nhất vào ngày 2 tháng 12, vì họ chờ đợi dữ liệu cụ thể hơn về tác động của omicron.
Biến thể này đã khiến hoạt động kinh doanh chậm lại khi các quốc gia ban hành các biện pháp hạn chế việc đi lại, mặc dù các nhà phân tích của OPEC cho đến nay vẫn bác bỏ rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu, và cho là là “nhẹ và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn”.
Mặc dù vậy, thị trường hầu như được kỳ vọng sẽ chuyển từ thiếu hụt thành thừa cung vào đầu năm 2022.
Các đại biểu của OPEC+ cho biết với giá hiện nay ở mức tốt hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2021, họ tin rằng có thể đón nhận bất kỳ sự sụt giảm nào, với kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng trở lại vào nửa cuối năm 2022 để đạt mức trước đại dịch trên 100 triệu thùng/ngày.
OPEC đã giúp dẫn dắt Dated Brent tăng gần 50% trong 12 tháng qua, từ khoảng 50 USD/thùng vào đầu năm lên mức hiện tại là khoảng 76 USD/thùng, nhưng với một vài biến động mạnh.
Khả năng dư cung xảy ra trong quý 1 đã khiến Brent tiến gần cấu trúc giá contango trong những tuần gần đây - một cấu trúc mà có thể phá hỏng các nỗ lực của OPEC+ để rút bớt lượng dầu tồn kho toàn cầu và hỗ trợ giá trong ngắn hạn.
Nhưng các quan chức OPEC+ đã nhiều lần cảnh báo các nhà giao dịch không nên đặt cược vào khả năng quản lý thị trường của họ.
Việc thuyết phục 23 quốc gia trong OPEC+ để đồng ý về chính sách không phải là nhiệm vụ dễ dàng và thị trường tiềm ẩn không ít rủi ro. Mối quan hệ giữa các thành viên đã được kiểm chứng vào năm 2021, đáng chú ý nhất là việc UAE kiên quyết yêu cầu hạn mức sản xuất cao hơn, tại một cuộc họp vào tháng 7 kéo dài trong nhiều tuần.
Tuy nhiên, phần lớn nhóm đã thành công trong việc cân bằng sản lượng tăng trong khi ngăn giá trượt dốc.
Khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung gia tăng vào cuối năm, giá dầu thô tăng cao đã gây áp lực bên ngoài đến từ Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ khiến tổ chức này phải đẩy nhanh mức tăng sản lượng theo kế hoạch.
Những lời kêu gọi đó đã bị từ chối dứt khoát và kể từ đó, Mỹ đã phối hợp với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Anh để giải phóng kho dự trữ trong những tháng tới.
Công suất OPEC+ đang giảm
Khi đó, thị trường có thể có nguy cơ bị siết cung.
Nhiều thành viên OPEC+ đã không có khả năng đạt được các mục tiêu sản xuất của mình, do nhiều năm không đầu tư hoặc quản lý yếu kém, và càng trầm trọng thêm bởi đại dịch.
Với việc Nga gần đạt công suất tối đa và Nigeria, Angola và một số quốc gia khác đang vật lộn để duy trì sản lượng, Platts Analytics dự báo công suất dự phòng bền vững của OPEC+ sẽ giảm xuống chỉ còn 1,2 triệu thùng/ngày vào tháng 6, làm giảm khả năng bù đắp gián đoạn của nhóm.
Công suất dự phòng đó sẽ ngày càng tập trung ở Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kuwait, làm gia tăng khoảng cách giữa các thành viên OPEC+, một tình trạng sẽ phải được kiểm soát nếu thị trường cần nhiều dầu thô hơn của nhóm.
Thỏa thuận hạt nhân Iran được khôi phục có thể tăng cung cho thị trường. Vòng đàm phán mới nhất giữa Mỹ và Iran đã nối lại vào tháng 12, nhưng hai bên vẫn đi vào bế tắc.
Platts Analytics kỳ vọng rằng nếu một thỏa thuận khung có thể được ký kết vào Quý 1 với việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt hoàn toàn vào tháng 4, nguồn cung dầu của Iran có thể tăng 800.000 thùng/ngày trong năm tới.
Nhưng “rủi ro của một kịch bản không có thỏa thuận vẫn cao”, Platts Analytics cho biết trong một ghi chú gần đây. “Nếu không thể đạt được một thỏa thuận, đơn giản là không có đủ công suất dự phòng toàn cầu, ngay cả trong OPEC, để đáp ứng nhu cầu, thì giá sẽ phải tăng để khuyến khích nguồn cung bổ sung, hoặc nhu cầu có thể bị phá hủy.”
Hình ảnh về một năm bận rộn nữa của các cuộc họp hàng tháng của OPEC+, khi liên minh này mong muốn đưa thị trường trở lại tình trạng trước đại dịch - và hơn thế nữa.
Nguồn tin: Platts
© Bản tiếng Việt của xangdau.net