Giá dầu thế giới hôm 6-3 lao dốc sau khi xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt trong liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu bên ngoài (gọi là OPEC+).
Theo Reuters, giá dầu Brent ở Anh có lúc giảm còn 45 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2017.
Tại cuộc họp của OPEC+ ở thủ đô Vienna - Áo, Nga đã từ chối ủng hộ đề xuất cắt giảm sản lượng khai thác thêm 1,5 triệu thùng/ngày của OPEC đến cuối năm nay nhằm đối phó tác động tiêu cực của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đối với nhu cầu dầu toàn cầu. Lý giải quyết định này, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak lặp lại quan điểm của Moscow rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động này.
Thay vào đó, Moscow chỉ sẵn sàng duy trì mức cắt giảm hiện tại (2,1 triệu thùng/ngày) cho đến tháng 6 trước khi có cuộc họp khác với các nước thành viên OPEC. Thỏa thuận này dự kiến hết hạn vào cuối tháng 3-2020 và OPEC đã đáp trả Nga bằng cách từ chối gia hạn.
Điện Kremlin hôm 6-3 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin không có kế hoạch thảo luận với giới lãnh đạo Ả Rập Saudi - nhà sản xuất dầu lớn nhất của OPEC, từ đó dập tắt hy vọng thỏa thuận vẫn có thể được cứu vớt.
Một mỏ dầu gần Almetyevsk ở Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga Ảnh: Reuters
Bất đồng nói trên đã mở đường cho các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC khai thác dầu tùy ý từ ngày 1-4 tới. Theo trang Bloomberg, một diễn biến như thế làm dấy lên nỗi lo tái diễn cuộc chiến giành thị phần giữa các nước sản xuất dầu, trong đó có Ả Rập Saudi, Nga và những nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Cuộc chiến từng xảy ra vào năm 2014 này đã dẫn đến khủng hoảng giá dầu khi nguồn cung toàn cầu trở nên thừa mứa.
Đáng chú ý, cuộc khủng hoảng trên đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của OPEC+ vào năm 2016 để bảo đảm kinh tế các nước thành viên không chịu tổn hại từ giá dầu. Liên minh này kiểm soát hơn phân nửa sản lượng dầu của thế giới.
"Ai cũng sẽ chịu đau đớn trong thị trường dầu. Sự sụp đổ của thỏa thuận này đồng nghĩa chúng ta sẽ chứng kiến giá dầu rơi xuống 40 USD/thùng" - ông Josh Graves, chuyên gia tại Công ty RJ O’Brien & Associates (Mỹ), nhận định với trang Bloomberg. Bi quan hơn, ông Bjoernar Tonhaugen, chuyên gia của Công ty Rystad Energy (Na Uy), cảnh báo về nguy cơ xảy ra một trong những cuộc khủng hoảng giá dầu nghiêm trọng nhất lịch sử theo sau diễn biến bất ngờ nói trên.
Nguồn tin: nld.com.vn