OPEC nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 1,5 triệu thùng dầu/ngày trong quý 2/2020, nhằm vực dậy giá dầu vốn đã sa sút do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát nghiêm trọng.
Một cơ sở lọc dầu ở Basra, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 5/3, hai nguồn tin của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết tổ chức này đã nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 1,5 triệu thùng dầu/ngày trong quý 2/2020, nhằm vực dậy giá dầu vốn đã sa sút do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát nghiêm trọng trên thế giới.
Trước đó cùng ngày, các bộ trưởng OPEC đã bước vào họp chính thức tại Vienna (Áo), tiếp theo là cuộc họp giữa bộ trưởng các nước ngoài khối, còn gọi là OPEC+, diễn ra vào ngày 6/3 nhằm tìm biện pháp kìm hãm đà giảm giá dầu.
Saudi Arabia, nước xuất khầu dầu mỏ lớn nhất trong OPEC, hy vọng các nhà sản xuất trong và ngoài khối, trong đó có Nga, nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 1-1,5 triệu thùng dầu/ngày trong quý 2/2020, đồng thời muốn kéo dài thỏa thuận cắt giảm 2,1 triệu thùng dầu/ngày, dự kiến hết hạn trong tháng này, cho đến cuối năm nay.
Tuy nhiên, đề xuất trên của Riyadh và các nước thành viên OPEC vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Nga. Cho tới nay, Moskva chỉ để ngỏ khả năng sẽ ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận trên song không phải là việc cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn.
Các nguồn tin OPEC đã phát đi tín hiệu rằng các cuộc đàm phán sơ bộ với Nga trong tuần này tại Vienna sẽ khó khăn hơn. Giá dầu Brent đã tăng 0,6% lên 51,5 USD/thùng khi có thông tin OPEC cắt giảm sản lượng.
Nếu OPEC+ quyết định cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu/ngày, điều này đồng nghĩa tổng sản lượng dầu cắt giảm của OPEC+ đạt 3,6 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 3,6% nguồn cung toàn cầu.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya tại OANDA nhận định OPEC+ cần gửi đi tín hiệu mạnh mẽ và bất cứ mức cắt giảm nào thấp hơn 1 triệu thùng dầu/ngày sẽ khiến giá dầu giảm mạnh hơn nữa.
Nhu cầu dầu mỏ đã chịu ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát dịch COVID-19. Hồi đầu tháng Hai, OPEC đã cắt giảm sản lượng 600.000 thùng/ngày do nhu cầu của Trung Quốc giảm vì dịch COVID-19.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức cắt giảm trên vẫn chưa đủ do Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn, vẫn đang vật lộn với những khó khăn y tế, trong khi dịch COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh chóng sang nhiều nước trên thế giới./
Nguồn tin: vietnamplus.vn