Trên thực tế, OPEC chiếm khoảng 40% nguồn cung dầu mỏ thế giới và nếu không có một động thái cắt giảm tương tự từ các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt ngoài khối thì tầm ảnh hưởng của tổ chức này đối với thị trường dầu mỏ là rất hạn chế.
Hy vọng lớn nhất của OPEC có lẽ đặt vào Nga, quốc gia vốn có truyền thống hoạt động độc lập trong chính sách năng lượng và các mục tiêu sản lượng, nhưng đã đưa ra tín hiệu về sự sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với OPEC.
Các thành viên trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hiện đang gấp rút tìm kiếm các giải pháp cùng các nước đồng minh ngoài khối, trước những lo lắng về tình hình giá dầu tụt dốc không phanh. Lời yêu cầu đã được gửi tới các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ không nằm trong OPEC như Nga, Mêxicô và Na Uy, nhưng theo các chuyên gia, chưa có tín hiệu nào cho thấy các quốc gia này sẽ hợp tác trên diện rộng với OPEC nhằm cắt giảm sản lượng.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tới sản lượng công nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng trên toàn cầu, khiến giá dầu thế giới đã "rơi tự do" từ mức kỷ lục trên 147 USD/thùng hồi tháng 7/08 xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng như hiện nay. Điều đó đã khiến các quốc gia trong OPEC -vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ cho các nguồn thu ngoại tệ - đối mặt với tình trạng thiếu hụt tiền mặt nghiêm trọng và các thành viên OPEC đã đưa ra tín hiệu rằng họ sẵn sàng cắt giảm xuất khẩu và "ép giá" dầu mỏ.
Thế nhưng, Tổng thống Medvedev cho biết ông sẵn sàng bảo vệ nước Nga, bởi lẽ dầu mỏ và khí đốt là nguồn thu nhập chủ yếu của quốc gia này. Một số biện pháp phòng vệ có thể gắn với việc điều chỉnh giảm sản lượng dầu mỏ, tham gia vào các tổ chức các nhà cung cấp hiện có, cũng như tham gia vào các tổ chức mới.
Các chuyên gia nhận định, cho dù Nga đã chứng tỏ sự sẵn sàng sử dụng tiềm lực năng lượng như một công cụ chính trị đối với phương Tây, nhưng chính Na Uy (thành viên trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO) hay Mêxicô dường như không có khả năng giúp đỡ OPEC.
Bill Farren-Price, Giám đốc trung tâm tư vấn năng lượng Medley Global lại cho rằng ông không hề mong đợi bất kỳ điều gì từ các nhà sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC, thậm chí là cả Nga. Ông cho rằng Nga đang gặp phải những vấn đề trong sản xuất khi giá dầu thấp, thế nhưng rất khó có khả năng Nga cắt giảm sản lượng, bởi rất nhiều tập đoàn dầu mỏ Nga có giao ước hợp đồng với các công ty dầu mỏ phương Tây. Ngoài ra, sự hợp tác giữa Nga và OPEC có thể bị hạn chế theo các thỏa thuận kỹ thuật về hợp đồng đầu tư. Ngay cả hồi năm 1998 và 1999, khi giá dầu giảm xuống 10 USD/thùng, Mátxcơva cũng đã không giữ lời hứa cắt giảm sản lượng.
Phó Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc doanh khổng lồ Gazprom của Nga, Alexander Medvedev cho biết Nga sẽ gặp khó khăn trong việc tham gia vào hệ thống hạn ngạch sản xuất của OPEC nhằm giới hạn sản lượng, bởi cơ chế của OPEC không thể áp dụng trực tiếp đối với liên bang Nga. Dẫu vậy, Gazprom đã liên hệ với OPEC để trao đổi thông tin và đây là một tín hiệu tốt để trợ giá cho thị trường dầu mỏ.
Trong khi đó, Bill Ramsay thuộc Học viện quan hệ quốc tế Pháp nhận định, nếu Nga thông báo cắt giảm sản lượng, thì thị trường dầu mỏ có thể tận dụng điều này trong một vài ngày, song nếu Mátxcơva thất hứa thì điều đó sẽ ảnh hưởng tới OPEC sau này.