Arab Saudi và các đồng minh OPEC+ đã gây sốc cho thị trường dầu mỏ khi quyết định không tăng sản lượng tại cuộc họp mới nhất, khiến giá dầu tăng vọt và gây thêm áp lực lạm phát lên nền kinh tế toàn cầu.
Giá dầu thô đã tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 4/3 (theo giờ Mỹ) sau khi liên minh dầu mỏ OPEC+ tuyên bố không tăng sản lượng trong tháng 4. Chỉ duy nhất Nga và Kazakhstan được phép tăng sản lượng lần lượt là 130.000 thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày.
Arab Saudi còn thông báo sẽ tiếp tục tự nguyện giảm thêm 1 triệu thùng/ngày đến hết tháng 4. Trước đó, hầu hết nhà phân tích đều dự đoán OPEC+ sẽ nâng sản lượng trong cuộc họp mới nhất.
Giá dầu Brent giao sau có lúc tăng 2,68 USD (tương đương 4,15%) lên mức 66,73 USD/thùng, trong khi dầu WTI giao sau nhảy vọt 2,49 USD (tức khoảng 4%) lên mốc 63,78 USD/thùng.
Một năm sau khi nổ ra cuộc chiến giá dầu khiến dầu thô tụt xuống dưới mức 0, Arab Saudi đang cho thấy họ ưu tiên duy trì đà phục hồi của thị trường hơn là lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung vì vốn dĩ để thị trường phục hồi không phải dễ dàng.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman chia sẻ: "Tôi không nghĩ thị trường sẽ quá nóng". Theo vị bộ trưởng, năm ngoái OPEC+ phải gồng lưng gánh đỡ thị trường dầu mỏ cho nên bây giờ họ cần phải "cảnh giác và thận trọng".
Tóm lại, ngay cả khi mức tiêu thụ nhiên liệu phục hồi ở nhiều quốc gia, OPEC+ sẽ vẫn giảm sản lượng khoảng 7 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nhu cầu toàn cầu, Bloomberg kết luận.
Ông Amrita Sen, trưởng nhóm phân tích tại công ty tư vấn Energy Aspects (London), nhận xét: "Chắc chắn OPEC+ có nguy cơ thắt chặt thị trường dầu mỏ quá mức".
Rủi ro lạm phát
Trong năm nay, giá dầu Brent đã tăng khoảng 30% lên gần 68 USD/thùng, một mức cao chưa từng thấy kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và tàn phá thị trường. Trong suốt quý đầu tiên, OPEC+ đã duy trì sản lượng dưới mức nhu cầu để làm tiêu hao bớt nguồn cung dư thừa trong đại dịch.
Nếu OPEC+ không bơm thêm dầu ra thị trường, thâm hụt nguồn cung sẽ tiếp tục nới rộng trong tháng 4, ước tính nội bộ của liên minh dầu mỏ chỉ ra.
Bà Ann-Louise Hittle, Phó Chủ tịch phụ trách mảng dầu mỏ của Wood Mackenzie, nhận định: "Chúng tôi dự đoán giá dầu sẽ tăng lên 70 - 75 USD/thùng trong tháng 4. Có nguy cơ là giá dầu tăng cao sẽ cản trở đà phục hồi dự kiến của nền kinh tế toàn cầu".
"Song, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi lại kiên quyết muốn OPEC+ phải theo dõi các dấu hiệu cụ thể về nhu cầu trước khi quyết định tăng sản lượng", bà Hittle nói tiếp.
Thị trường trái phiếu đang có dấu hiệu gây ra áp lực lạm phát. Do đó, động thái mới nhất của OPEC+ có thể trở thành vấn đề đau đầu với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Hơn nữa, không chỉ dầu tăng giá mà đồng, thép, ngô, đậu nành và nhiều mặt hàng khác cũng đang tăng nhanh chóng.
Nền kinh tế dần khởi sắc, vắc xin ngừa COVID-19 được triển khai và chính phủ các nước tiếp tục bơm thêm kích thích tài khóa là ba trong các lý do khiến thị trường tài chính dự đoán giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng tốc, dù cho các yếu tố tích cực này đang bị thị trường lao động yếu kìm lại.
"Chúng ta nên theo dõi sát sao để tránh thị trường phát triển quá nóng", Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak chia sẻ với kênh truyền hình nhà nước Rossiya 24 sau cuộc họp của OPEC+.
Quan hệ với Mỹ
Quyết định sản lượng của liên minh dầu mỏ còn được đưa ra vào thời điểm căng thẳng với liên minh Arab Saudi - Mỹ, khi mà Tổng thống Joe Biden đang tìm cách thiết lập lại mối quan hệ với Riyadh và đặc biệt là với Thái tử Mohammed bin Salman.
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng có thể phản ứng nhanh chóng bằng một loạt tweet đề cập đến mối đe dọa khi giá xăng tăng, như vào tháng 4/2018.
Nguồn tin: Vietnambiz