|
Một nhà máy lọc dầu tại Cô-oét - Thành viên của OPEC. |
Quyết định không cắt giảm sản lượng dầu của các nhà lãnh đạo thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong cuộc họp cấp bộ trưởng tối 15-3 tại thành phố Viên (Áo) đã khiến nhiều quốc gia nhập khẩu dầu mỏ thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều dự đoán cho rằng, nhu cầu về dầu sẽ tiếp tục giảm trong năm nay, khiến doanh thu từ xuất khẩu dầu lửa của OPEC giảm 59%, còn 402 tỷ USD, thì việc giữ nguyên sản lượng khai thác quả là một quyết định không mấy dễ dàng đối với tổ chức này.
Hiện OPEC cung cấp hơn 1/3 sản lượng dầu mỏ cho toàn thế giới. Nền kinh tế của nhiều quốc gia thuộc OPEC phụ thuộc chủ yếu vào nguồn dầu mỏ xuất khẩu. Giá dầu tụt không phanh từ mức cao kỷ lục 147 USD/thùng vào hồi tháng 7-2008 xuống ngưỡng 46 - 47 USD/thùng như hiện nay đã gây áp lực lên nền kinh tế các quốc gia này, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng việc đầu tư sản xuất dầu mỏ, đe dọa sự ổn định nguồn cung cấp dầu mỏ trong tương lai.
Bằng chứng là, thời gian qua, cùng với khó khăn do khủng hoảng kinh tế, giá dầu mỏ
thấp đã khiến nhiều dự án khai thác, sản xuất dầu mỏ bị hoãn hoặc hủy. Một số nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới phải tạm ngừng đầu tư trong lĩnh vực này. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc khai thác các mỏ dầu chỉ có hiệu quả khi giá dầu mỏ đạt 80 USD/thùng, thậm chí cần cao hơn đối với những mỏ dầu khó khai thác.
Trong khi đó, các giếng dầu dự trữ lớn của thế giới phần lớn nằm ở những khu vực khai thác khó khăn, như Bắc Cực hoặc thềm lục địa ngoài khơi các đại dương. Giá thành thăm dò các mỏ này không nhỏ và chỉ có thể đưa vào khai thác trong điều kiện giá dầu mỏ ở mức cao. Vì vậy, khi giá dầu giảm mạnh như hiện nay, việc các nhà sản xuất buộc phải cắt giảm mạnh các dự án đầu tư là điều khó tránh khỏi. Trong trường hợp này, khi cuộc khủng hoảng kinh tế qua đi, nhu cầu nhiên liệu tăng trở lại, thì thế giới có thể phải đối mặt sự thiếu hụt về nguồn cung dầu mỏ. Đây là nguyên nhân khiến giá dầu có thể tăng vọt sau 3 đến 5 năm nữa, khi kinh tế thế giới phục hồi, kéo theo nhu cầu dầu mỏ tăng.
Sự đi xuống của giá dầu buộc OPEC phải thông qua 2 lần cắt giảm kỷ lục vào cuối năm 2008 với tổng số lượng lên đến 4,2 triệu thùng/ngày. Việc giảm sản lượng khai thác là nguyên nhân khiến OPEC chịu nhiều chỉ trích, thế nhưng suy cho cùng, đây có lẽ là biện pháp duy nhất mà tổ chức này cho rằng có thể giúp giá dầu đảo chiều một cách nhanh chóng và về dài hạn, sẽ giúp thị trường thế giới tránh khỏi nguy cơ khủng hoảng nguồn cung.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), trước mắt, việc OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu lún sâu vào suy thoái. Vì thị trường dầu bị thắt chặt sẽ khiến giá mặt hàng này tăng cao sẽ buộc các quốc gia phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu phải tiếp tục gồng mình chịu thêm một gánh nặng về tài chính trong lúc còn đang chống chọi lại hậu quả do "cơn bão" khủng hoảng gây ra. Đây có lẽ là lý do thuyết phục nhất buộc các nhà lãnh đạo OPEC phải chấp nhận duy trì mức sản lượng khai thác như hiện nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá dầu trong thời gian tới khó có những biến động đột biến như từng diễn ra trong mùa hè năm 2008.
(Hà nội mới)