Theo các chuyên gia, OPEC+ khó có thể kiểm soát biến động của giá dầu trong phiên họp hàng tháng diễn ra vào ngày mai (2/3).
Các nhà phân tích cho rằng với việc một số thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, còn gọi là OPEC+, không đạt mức hạn ngạch sản lượng hàng tháng của họ, liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu này sẽ không thể kiểm soát được sự biến động mạnh của giá dầu trên các thị trường quốc tế.
Tamas Varga, chuyên gia phân tích từ hãng PVM Energy, nhận xét chỉ Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hoặc có thể là Kuwait, có khả năng sẽ tăng sản lượng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, Saudi Arabia đã thông báo nước này vẫn sẽ tuân thủ thỏa thuận hạn ngạch sản lượng với Nga. Đây cũng là hai thành viên chủ chốt trong OPEC+.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 27/2, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman khẳng định nước này quan tâm đến sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ, đồng thời nhấn mạnh Riyadh sẽ tuân thủ cam kết của mình đối với thỏa thuận OPEC+.
Trong khi đó các quốc gia còn lại không thể đẩy mạnh sản lượng do năng lực sản xuất đã tới hạn.
Với việc các nước thành viên OPEC+ không gia tăng sản lượng, giá dầu được dự báo vẫn sẽ giữ đà tăng trong thời gian tới.
Theo báo cáo của OPEC, trong giai đoạn từ tháng 12/2021 - 1/2022, các thành viên OPEC đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày. Hiện các nước OPEC đang cung cấp tổng cộng 27,98 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường.
OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 2/3. OPEC+ được dự đoán vẫn giữ kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.00 thùng/ngày vào tháng 4.
Trước thềm cuộc họp này, OPEC+ đã điều chỉnh giảm khoảng 200.000 thùng/ngày trong mức thặng dư dự đoán của thị trường dầu trong năm 2022 xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày, cho thấy sự thắt chặt của thị trường "vàng đen".
Giá năng lượng thế giới tiếp tục tăng
Tình hình chiến sự tại Đông Âu đã giữ mặt bằng giá năng lượng toàn cầu ở mức cao và duy trì xu thế tăng giá. Giá năng lượng đang đứng ở mức cao, gây sức ép lên nền kinh tế toàn cầu.
Giá dầu thô Brent giao tháng 5/2022 đã tăng 3,12% so với phiên hôm qua (28/2), giữ mức 100,99 USD một thùng.
Giá dầu thô giao tháng 4/2023 trong phiên giao dịch sáng nay (1/3) tại thị trường Tokyo cũng tăng 0,94%. Cùng lúc đó, giá khí đốt tự nhiên giao tháng 4/2022 cũng tăng 0,7% lên 4,43 USD/triệu BTU.
Nguồn tin: VOV